An Giang chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước

Hoàng Linh|17/11/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự báo mùa khô 2023 - 2024 sẽ khắc nghiệt. An Giang ít chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho các địa phương vùng cao, thiếu nước sản xuất cục bộ, cần chủ động phương án ứng phó.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino (pha nóng). Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95% và tiếp tục kéo dài đến tháng 4/2024 với xác suất 80 - 90%. Do vậy, khả năng lượng mưa giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, do tình hình mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng, gây khó khăn cho việc bơm tưới, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở vùng núi huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên và vùng đồng bằng của các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc (các vùng đất gò cao), với tổng diện tích 4.334ha.

Trong đó, vùng núi 1.485ha; vùng đất gò cao đồng bằng gần 2.849ha, có kế hoạch bơm chuyền cấp 2, 3 để đáp ứng nhu cầu nước sản xuất. Trong điều kiện hạn, thiếu nước kéo dài, gay gắt, cần có kế hoạch chuyển đổi 2.937ha lúa (huyện Châu Thành 2.807ha, TP. Châu Đốc 130ha) sang cây trồng cạn, để tránh thiệt hại do thiếu nước.

thieu-nuoc.jpg
Triển khai công trình hồ trữ nước vùng cao

Để ứng phó với tình trạng khô hạn, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ đông xuân 2023 - 2024 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng tiểu vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.

Các địa phương chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất (áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa), nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.

Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi và Trạm Thủy lợi liên huyện phối hợp địa phương triển khai biện pháp vận hành hệ thống cống hợp lý để điều tiết, trữ nước vào kênh, rạch tạo nguồn phục vụ sản xuất cho khoảng 6.252ha ở các huyện An Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, TP. Châu Đốc.

Ngành thủy sản thường xuyên kiểm tra, có phương án bảo đảm nguồn nước không ô nhiễm cho khoảng 3.000ha nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng chuyên canh thủy sản và khu vực sông Cái Vừng (huyện Phú Tân); có phương án di dời, sơ tán các bè nuôi đến nơi an toàn tại các khu vực mật độ nuôi bè dày và chất lượng nguồn nước kém.

Nhằm kịp thời chống hạn, mặn để phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 và hè thu 2024, các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi đã chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất với diện tích gieo trồng lúa, màu trên 250.000ha.

Bên cạnh nạo vét kênh, mương theo kế hoạch, trong trường hợp có hạn hán, thiếu nước gay gắt kéo dài, ngành chuyên môn và các địa phương triển khai nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát nước, phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Đồng thời, sẵn sàng lắp đặt các trạm bơm chống hạn (cứu lúa) cho 1.485ha lúa vùng cao huyện Tri Tôn (xã Ô Lâm), TX. Tịnh Biên (xã An Nông, xã An Hảo) của nông dân Khmer, ước kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh, tổ chức bơm cấp 2 để bảo vệ 2.849ha lúa ở vùng đồng bằng khi xảy ra thiếu nước cục bộ, gồm: TP. Châu Đốc (xã Vĩnh Châu), các huyện An Phú (xã Vĩnh Hậu), Phú Tân (xã Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Phú Hiệp, Phú Lâm, Phú Thọ, Tân Hòa, Phú Thạnh, thị trấn Chợ Vàm), ước kinh phí hơn 1,37 tỷ đồng.

Khi hạn hán, thiếu nước xảy ra gay gắt trong thời gian nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước, mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp, nguồn nước từ các giếng, suối và nguồn nước dự trữ không đảm bảo sử dụng, tỉnh tiến hành ngăn 15 đập tạm để trữ nước, không để thiếu nước dẫn đến bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài, ước kinh phí gần 5,63 tỷ đồng.

Ngành thủy lợi có kế hoạch duy tu, sửa chữa 50 công trình cống để trữ nước phục vụ tưới tiêu trong điều kiện khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài ảnh hưởng sản xuất, chăn nuôi của người dân các huyện An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, TP. Châu Đốc, ước kinh phí thực hiện gần 42,4 tỷ đồng. Trường hợp hạn hán, thiếu nước trong tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng, cần phải tăng cường bơm tưới nhiều hơn (điện năng tăng, nhiên liệu tăng) cho khoảng 120.000ha đất sản xuất (dự kiến 50% diện tích lúa, màu đã xuống giống), dự kiến khoảng 1,2 triệu lít (10 lít dầu/ha), ước tổng kinh phí 24 tỷ đồng.

Bài liên quan
  • Nông dân Ấn Độ thiếu nước canh tác
    Đối với nông dân ở vùng Punjab của Ấn Độ, tình trạng thiếu nước là một thực tế khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
An Giang chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.