An ninh nguồn nước tại Việt Nam: Giải pháp nào để bảo đảm an ninh nguồn nước (Bài 3)

Lam Trinh |01/04/2024 05:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với việc trên 63% nguồn nước đến từ ngoài lãnh thổ, cùng với công tác quy hoạch, điều tiết, vận hành hệ thống nước giữa các hệ thống sông, đập chưa khoa học, tính liên kết, liên thông mang tính vùng, khu vực còn nhiều hạn chế đã dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Vậy, đâu là giải phấp để đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam?.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Điện lực, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp... đến các nghị định, thông tư liên quan đến công tác an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống và an toàn hồ đập trong thời gian qua được xây dựng khá đầy đủ, cùng với các điều ước quốc tế tạo ra cơ sở pháp lý cho công tác quản lý bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Song cũng cần nhận thấy rằng, vẫn còn khoảng trống, bất cập, chưa bao quát hết các vấn đề cần phải quản lý để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm. Công tác phân công, phân nhiệm làm rõ vai trò, trách nhiệm giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương còn có mặt hạn chế, còn gây chồng chéo và lúng túng trong quá trình điều hành, vận hành và quản lý trong thực tế.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, tính liên kết, liên thông mang tính vùng, khu vực còn nhiều hạn chế. Vẫn còn tình trạng phá vỡ quy hoạch, không bảo vệ được quy hoạch, bị lấn chiếm làm các mục đích khác ảnh hưởng đến bảo vệ lưu vực sông, nguồn nước, dòng chảy, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều.

Công tác đầu tư, bố trí nguồn lực còn mất cân đối; bố trí vốn không đủ, thiếu đồng bộ; quá trình chuẩn bị đầu tư, thiết kế, thẩm định của một số dự án chưa tốt; sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ dẫn tới nhiều công trình, dự án dở dang, chậm đưa vào khai thác ảnh hưởng đến việc cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và đời sống.

26-an-nc-lan-thuong.jpg
Các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ tư, tổ chức trực tuyến chiều 25/12/2023 được đánh giá cao và đưa vào các văn kiện của Hội nghị

Để có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, xử lý được các vấn đề lâu dài do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn và thiếu nước ngọt cho cả hiện tại và tương lai, hướng tới mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, chúng ta phải chủ động được nguồn nước ngọt đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; bảo đảm chủ động tưới tiêu khoa học, hiện đại cho 100% diện tích canh tác; đủ nước cho công nghiệp và dịch vụ; đáp ứng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115 triệu dân đến 120 triệu dân trong tương lai, cả ở thành thị và nông thôn. Hệ thống thủy lợi phải liên thông theo khu vực, vùng, tỉnh, huyện và điều tiết được từ nơi thừa nước đến nơi thiếu nước một cách khoa học; chủ động tiêu úng, chống lũ lụt hiệu quả; bảo đảm ngăn được xâm ngập mặn, sạt lở bờ biển và nước biển dâng lấn vào đất liền.

Kết luận số 36-KL/TW, Bộ Chính trị xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới, bao gồm: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thuỷ lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; Chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước.

Nói về giải pháp để quản lý nước đầu nguồn, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng do Việt Nam nằm ở hạ nguồn, bị ảnh hưởng rất nhiều về chất lượng nước từ đầu nguồn nên không thể một mình tự quản lý nguồn nước mà phải có sự quản lý liên quốc gia, liên chính phủ, liên vùng. Phải có những cam kết, qui ước chặt chẽ về quản lý nước cho liên vùng, liên quốc gia, liên chính phủ và phải cố gắng thực hiện đúng cái cam kết ấy thì mới bảo vệ nguồn nước hạ lưu tốt. Đấy là cách duy nhất cho nên phải làm thế nào để chính phủ các nước ở cạnh nhau, có chung dòng chảy cùng thực hiện những cam kết ấy.

“Ngoài ra còn có những giải pháp khác cũng có, ví dụ như dùng công nghệ cũng có nhưng mà rất đắt, khó thực hiện bởi ta có thể chỉnh dòng, nắn dòng, lắp các hệ thống lọc,..kinh phí vô cùng lớn và đắt đỏ nên chúng ta chưa thể thực hiện được. Do đó tốt nhất vẫn là thực hiện đúng các cam kết liên quốc gia, liên chính phủ về công tác quản lý nước, đặc biệt Việt Nam lại ở hạ lưu”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.

Theo bà An thì ngoài cái bất khả kháng do khách quan vị trí địa lý đưa lại thì về mặt chủ quan, Việt Nam vẫn có thể chủ động được từ nguồn nước mặt, nước mưa,…. Nói như thế để thấy rằng nước nội địa của chúng ta cũng rất nhiều, chiếm khoảng 35-37%. Nếu chúng ta quản lý tốt, sử dụng có hiệu quả thì cũng giảm được khó khăn về nước.

“Tôi cho rằng có 3 giải pháp để sử dụng nguồn nước nội sinh hiệu quả đó là giữ cho nước sạch, sử dụng tiết kiệm và tạo vòng tuần hoàn của nước”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Theo bà An, giải pháp thứ nhất là phải giữ nước có trong đất của chúng ta phải sạch, nghĩa là phải biết bảo vệ môi trường, không để ô nhiễm môi trường vì về lâu dài môi trường ô nhiễm, nước mặt ô nhiễm sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm khiến cho nước dù có cũng không sử dụng được. Thứ hai là sử dụng nước tiết kiệm. Tất cả các nguồn nước mặt, nước ngầm và cả nước đã qua sử dụng đều có thể tiết kiệm được. Người dân, các ngành nông nghiệp, công nghiệp cũng có thể tiết kiệm được. Ví dụ, trong nông nghiệp tưới tiêu vừa đủ, không dùng tràn lan, trong các ngành công nghiệp cũng thế. Tóm lại tiết kiệm nước là một trong những mục tiêu đặt ra, có thể coi đó là một giải pháp hữu hiệu đảm bảo lượng nước đủ cho Việt Nam.

bui-thi-an.jpg
PGS.TS Bùi Thị An Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng

Thứ ba là sử dụng nước một cách tuần hoàn bằng cách tận dụng các nguồn nước thải ra, sau khi xử lý tiếp tục được quay vòng để tái sử dụng. Có những ngành công nghiệp không thể không sử dụng nước nhưng sau khi thải ra phải xử lý để tái sử dụng đó cũng là giải pháp để tiết kiệm nước.

“Theo suy nghĩ của tôi, hiện nay chính phủ Việt Nam đã đặt ra các giải pháp đó rồi và các địa phương có những nơi đã làm khá tốt. Việc nâng giá nước sạch cũng là cách buộc người dân phải sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả. Việc sử dụng công nghệ để sử dụng nước một cách tuần hoàn cũng nằm trong kế hoạch để chúng ta chủ động nguồn nước đủ cho nội dân”, bà An chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Quang Huân thì để bảo đảm an ninh nguồn nước, chúng ta phải cân bằng cơ hội, thách thức để mang đến hiệu quả tích cực nhất cho ba vấn đề liên quan đến nước, đó là xã hội, kinh tế và môi trường. Đầu tiên là nguồn nước, tài nguyên nước phải được quản lý một cách hiệu quả. Thứ hai, chúng ta phải giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm, mất nguồn nước, cung cấp lượng nước không ổn định… Thứ ba, chúng ta phải có chế tài xử lý để đảm bảo hiệu quả và công bằng cho mọi đối tượng. Khi chúng ta làm tốt được các điều trên thì chúng ta sẽ giữ được an ninh nguồn nước. Việc phân rõ trách nhiệm quyền hạn của từng Bộ, ban ngành, địa phương sẽ điều hòa, phân phối tài nguyên nước, bảo đảm ổn định khai thác, sử dụng nước cho các ngành kinh tế, thực hiện theo đúng các quy định mà Luật Tài nguyên nước sửa đổi 2023 vừa được Quốc hội thông qua, sử dụng nước thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành. Từ đó, chúng ta có thể quản lý được nguồn nước và khai thác sử dụng nước một cách an toàn, hiệu quả và công bằng hơn.

“Để chủ động nguồn nước không bị phụ thuộc bên ngoài, chúng ta có thể thực hiện phương châm sinh thủy tại chỗ, giữ nước tại chỗ, bảo vệ tại chỗ và điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ. Sinh thủy tại chỗ là nhờ chúng ta khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bằng tập đoàn cây bản địa; giữ cho được và mở rộng, nâng cao chất lượng rừng đầu nguồn, là nơi sinh thủy; hạn chế trồng rừng kinh tế đối với các loại cây kém sinh thủy, hủy hoại và bào mòn đất đai. Đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ lọc nước biển, nước lợ làm nước ngọt tại chỗ. Giữ nước tại chỗ là phải bảo vệ, giữ được các ao, hồ nhân tạo và tự nhiên; các con sông, kênh, rạch, mương có thể trữ được nước ngọt tại chỗ. Tăng cường công tác bảo vệ nguồn nước, ao, hồ, sông, suối chống ô nhiễm tại chỗ; từng địa phương, doanh nghiệp, người dân cần tự mình có ý thức bảo vệ và có chế tài xử lý đối với các hành động gây ô nhiễm môi trường. Điều hành, vận hành phân phối tại chỗ bảo đảm sử dụng nước an toàn, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo, tránh ỷ lại, phải chủ động xử lý khi có tình huống theo quy chế vận hành.

Áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tế trên nền tảng của kỹ thuật số, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ thi công theo phương thức mới... để tổ chức thiết kế, thi công, quản lý và vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quản lý nguồn nước, chất lượng nước.

Song song với đó là việc tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực sông, phối hợp, điều hòa nguồn nước hợp lý, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người vào tự nhiên, làm phá hoại môi trường tự nhiên, nhất là đối với lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng... Cần phải khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.

Đồng quan điểm với PGS.TS Bùi Thị An và ĐBQH Nguyễn Quang Huân, TS. Nguyễn Văn Nghĩa –giảng viên khoa Công trình trường ĐH Thủy lợi cũng cho rằng trong số các giải pháp đưa ra nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn toàn các hồ đập thì việc nâng cao ý thức tiết kiệm nước là việc rất quan trọng bởi một khi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước, biến suy nghĩ thành hành động thì chúng ta sẽ có ý thức bảo vệ môi trường sống của chính mình.

“Theo tôi, ngoài việc tuyên truyền phổ biến người dân nâng cao ý thức tiết kiệm nước, tiết kiệm điện thì để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ngành thủy điện nên có những giải pháp khác như: Rà soát lại quy trình vận hành các hồ chứa, liên hồ chứa để đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước; nâng cao kiến thức và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý vận hành các nhà máy thủy điện. Nâng cao chất lượng quản lý vận hành hồ chứa bằng cách tăng cường dự báo, áp dụng công nghệ để vận hành tối ưu các hồ chứa; nâng cao năng lực dự báo để công tác phòng chống lũ, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai phát huy được hiệu quả cao hơn. Đồng thời giúp chủ động trong quá trình tích nước ở các hồ chứa có dung tích phòng lũ kết hợp; phối hợp chặt chẽ giữa các hồ chứa thủy điện trong bậc thang, giữa các nhà máy thủy điện và địa phương có nhu cầu dùng nước ở hạ lưu để đảm bảo hài hòa lợi ích, khai thác tối đa giá trị nguồn tài nguyên nước; phối hợp trao đổi thông tin với các nước có chung lưu lực sông để chia sẻ dữ liệu cũng như phối hợp vận hành.

Nhận xét về việc sử dụng công nghệ số, nền tảng số vào việc quản lý tài nguyên nước, PGS.TS Bùi Thị An thẳng thắn: “Trước hết phải nói rằng việc sử dụng công nghệ số, nền tảng số vào quản lý nước là một bước tiến đột phá bởi vì có như thế chúng ta mới quản lý một cách có hiệu quả tài nguyên nước đối với cả lãnh thổ chúng ta tức là vĩ mô cũng như với từng địa phương chúng ta làm được là rất tốt. Tuy nhiên để chuyển đổi số một cách khả thi, tôi nghĩ ở đây chúng ta phải có tiềm lực. Tiềm lực ở đây có 2 phần, một là vốn nghĩa là chúng ta phải có kinh phí, để chúng ta có trang thiết bị. Thứ hai là con người. Con người phải có kiến thức, phải được đào tạo. Trước đây chúng ta có thể được đào tạo bằng toán, lý, hóa học nhưng nó chưa phải là chuyên ngành nên bây giờ phải đào tạo để có kiến thức sử dụng những trang thiết bị ấy. Đã áp dụng kỹ thuật số để quản lý nước thì phải đầu tư cả về con người thì mới có ý nghĩa cho nên chính phủ phải dành ra một nguồn vốn ở đây đấy hoặc địa phương cùng phối hợp với chính phủ thực hiện bởi một khi quản lý nước mà hiệu quả sẽ dẫn đến ba trụ cột môi trường-an sinh xã hội và kinh tế phát triển bền vững.

Nếu có điều kiện, việc áp dụng nền tảng số nên áp dụng với cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc vì như thế chúng ta sẽ biết được nguồn nước chúng ta có bao nhiêu, nguồn nước dự trữ của từng vùng như thế nào, nơi nào đang thừa để dự báo sẽ gây ra lũ lụt để phòng ngừa còn nơi nào hạn hán thì để điều tiết nước ở nơi khác về.

ong-ng-quang-huan.jpg
Ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

Nhưng nếu trong điều kiện chưa đủ kinh phí, chưa đủ con người thì tôi đề nghị Chính phủ nên ưu tiên cho những nơi thường xảy ra lũ quét như Yên Bái hay những vùng hạn hán như Quảng Trị đất phơi lên không thể trồng trọt được. Có lẽ cũng có thể vận động các địa phương khác dành tiền cho những nơi đang còn thiếu nước, đang còn thừa nước dễ gây hậu quả cho dân thì nên được ưu tiên”.

Cũng bàn về giải pháp vận dụng nền tảng số vào việc quản lý tài nguyên nước, ông Nguyễn Quang Huân cho hay việc áp dụng công nghệ vào quản lý là 1 trong những điểm mới trong cách quản lý so với bộ luật trước đây. Thực tế, trên thế giới đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả, trong đó, có hai giải pháp là về kỹ thuật và quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được. Vì vậy, quản trị nước thông minh đang trở thành một xu thế lớn trên thế giới. Quản trị tài nguyên nước trên nền tảng kết hợp công nghệ số, sử dụng mô hình quản trị nước thông minh và tích hợp các quy định về quản lý nước để kiểm soát chất lượng sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Việc kết hợp này cũng kiểm soát được chất lượng nước, điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội.

“Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng; tích trữ nước mưa để sử dụng cũng rất cần thiết. Ngoài ra, cần ưu tiên khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước”, ông Huân chia sẻ.

Tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ tư, tổ chức trực tuyến chiều 25/12/2023 với sự tham gia của 6 nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Ưu tiên trước mắt là hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết về cắt giảm khí thải carbon hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác toàn lưu vực về bảo tồn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mekong-Lan Thương, đặc biệt là không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông..

Các đánh giá và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được Hội nghị đánh giá cao và đưa vào các văn kiện của Hội nghị.

Bài liên quan
  • An ninh nguồn nước tại Việt Nam: Thực trạng và những thách thức lớn phải đối mặt (Bài 2)
    Việt Nam với mạng lưới sông ngòi dày đặc, lượng nước mưa dồi dào, tuy nhiên, thực tế có đến 63% nguồn nước đến từ ngoài lãnh thổ và nước mưa thì lúc thừa lúc thiếu do phân bổ theo mùa. Bên cạnh đó, tình trạng đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao hồ, sông suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đã dẫn tới hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm là thực trạng và cũng là thách thức lớn đối với vấn đề an ninh nguồn nước tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An ninh nguồn nước tại Việt Nam: Giải pháp nào để bảo đảm an ninh nguồn nước (Bài 3)