Việt Nam làm gì để bảo đảm an ninh nguồn nước?

Lam Trinh |22/03/2024 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chia sẻ về công tác quản lý tài nguyên nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (ĐBQH) cho rằng để bảo đảm an ninh nguồn nước, chúng ta phải cân bằng cơ hội, thách thức để mang đến hiệu quả tích cực nhất cho ba vấn đề liên quan đến nước, đó là xã hội, kinh tế và môi trường.

Nước là vấn đề thiết yếu của cuộc sống gắn liền với sự an toàn của cộng đồng, an ninh quốc gia. Việc khai thác, xử lý, cung cấp và tiêu thụ nước phải được tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngay từ nguồn nước đã ẩn chứa nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho người dân.

Nhằm làm rõ vấn đề trên, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống-Moitruong.net.vn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông Nguyễn Quang Huân, nước được coi như tài nguyên, tài sản công nhưng nguồn nước ở Việt Nam chủ yếu lấy từ bên ngoài. Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn, không phải bất kỳ khu vực nào cũng có thể sử dụng nước mặt mà còn phải sử dụng nước ngầm. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để mọi người dân, ngành nghề đều được sử dụng tài nguyên này một cách bình đẳng?.

media.moitruong.net.vn-2021-11-_ong-nguyen-quang-huan-halcom.jpg
Ông Nguyễn Quang Huân: Để bảo đảm an ninh nguồn nước, chúng ta phải cân bằng cơ hội, thách thức để mang đến hiệu quả tích cực nhất cho ba vấn đề liên quan đến nước, đó là xã hội, kinh tế và môi trường

Ông Nguyễn Quang Huân: Trước hết khẳng định nước là tài nguyên, là tài sản công là đúng và mọi người đều được quyền sử dụng. Và có đến gần 70% nước mặt là phát sinh từ ngoài lãnh thổ. Chúng ta có hai loại nước một là nước mặt mà chúng ta sử dụng cho sinh hoạt tưới tiêu rơi vào khoảng 800 tỷ m3 và khoảng 60 tỷ m3 nước ngầm cho phép chúng ta khai thác mỗi năm. Thế nhưng nước ngầm là hữu hạn và chiếm tỷ lệ chưa được 10% so với nước mặt nhưng nước mặt của chúng ta lại chủ yếu từ ngoài lãnh thổ và đặc biệt là lại theo mùa cho nên là tính về tổng khối lượng thì rất lớn nhưng nếu phân bổ theo mùa trong năm thì mùa khô cạn kiệt còn mùa mưa thì rất nhiều nên gây ra bão lũ và gây ra thiên tai. Đấy là cái bất lợi.

Đất nước ta có nhiều vùng, tiểu vùng khí hậu khác nhau, có các mùa khác nhau. Sự phân bổ tự nhiên về nguồn nước không đồng đều cả về thời gian và không gian. Nên nếu tính để đảm bảo an ninh nguồn nước thì nước chia cho đầu người tỷ lệ rất thấp, đâu đó chỉ khoảng 4.000m3/người/năm. Nói như thế để thấy là cái nguy cơ nếu như chúng ta mà làm công tác bảo vệ tài nguyên môi trường không tốt hoặc chúng ta quản lý nước đầu nguồn không tốt thì khả năng chúng ta mất an ninh nguồn nước là rất cao. Chính vì thế mà Bộ Chính trị mới có kết luận số 36 về an ninh nguồn nước năm 2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Có nhiều định nghĩa về an ninh nguồn nước nhưng tựu chung lại có 3 nội hàm cơ bản, bao gồm: Một là phải đảm bảo lượng nước đủ dùng cho tất cả mọi đối tượng nghĩa là cả về đời sống xã hội, dân sinh cho đến kinh tế rồi tất cả các ngành nghề từ nuôi trồng thủy sản đến giao thông,…

Thứ hai là nước đảm bảo không bị ô nhiễm. Hiện nay, nếu nước đã vào rồi mà không bảo vệ được mà gây ô nhiễm thì không dùng được. Chẳng hạn như nước bị ô nhiễm chưa chắc đã tưới tiêu được chứ chưa nói là sử dụng để kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản. Cho nên phải bảo vệ để không bị ô nhiễm.

Thứ ba là phải sử dụng công bằng. Nghĩa là công bằng cho cả người dân, công bằng cho phát triển kinh tế, công bằng cho mọi ngành nghề, thậm chí có thể là công bằng cho các quốc gia.

- Theo ông cách khắc phục là gì ?

Ông Nguyễn Quang Huân: Chúng ta có nhiều cố gắng để khắc phục nhưng mới chỉ đáp ứng 37% nhu cầu tưới tiêu, còn 63% vẫn phải trông chờ vào nước tự nhiên và hệ thống bơm từ các sông, ngòi. Theo tôi, đầu tiên để đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước một cách bình đẳng, dù là ở đồng bằng sông Cửu Long hay miền núi phía Bắc, việc ban hành Luật Cấp thoát nước là hết sức cấp thiết, vì hiện các Nghị định 117, 118 về cấp thoát nước đã lạc hậu và không có chính sách quản lý thống nhất trên toàn quốc. Ngành nước có đến 5-6 bộ quản lý nên vừa chồng chéo vừa thiếu sót trong các khâu quản lý từ đầu nguồn đến xử lý và tiêu thụ nước nên hiệu quả không cao. Khi Luật Cấp thoát nước ra đời sẽ khắc phục được các nhược điểm này và là cơ sở để xây dựng các chính sách nhất quán hơn, dài hạn hơn nhằm thu hút nguồn lực đầu tư lớn hơn từ xã hội để đáp ứng đủ cho mọi nhu cầu sinh hoạt của người dân và cho sản xuất.

Thứ hai, cần quản lý tốt hệ thống cấp nước. Hệ thống cấp nước sẽ bao gồm từ (1) nguồn nước thô, (2) Trạm Xử lý nước và (3) Mạng lưới đường ống cấp nước. Về mặt kỹ thuật, để phát triển bền vững thì cả 3 khâu này trong hệ thống phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thí dụ, nguồn nước phải sạch và an toàn, không có nguy cơ nhiễm độc, nhiễm mặn do thời tiết hay do tác nhân bên ngoài; trạm xử lý phải có công nghệ phù hợp và được vận hành bảo dưỡng đúng cách và mạng lưới cũng cần được duy tu, thau rửa và kiểm tra thường xuyên. Nếu hệ thống xử lý tốt mà mạng lưới không được thau rửa hay không được ngăn chặn thâm nhập ô nhiễm từ bên ngoài thì cả hệ thống không thể hoạt động tốt. Vì thế yếu tố quản lý hệ thống rất quan trọng.

song-mk.jpg
Sông Mekong dài khoảng 4.800 km, chảy ra 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam

- Khoảng 70% nguồn nước ở Việt Nam phát sinh từ ngoài lãnh thổ, việc cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của từng Bộ, ban ngành, địa phương trong Luật Tài nguyên nước 2023 có góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước  không, thưa ông ?

Ông Nguyễn Quang Huân: Để bảo đảm an ninh nguồn nước, chúng ta phải cân bằng cơ hội, thách thức để mang đến hiệu quả tích cực nhất cho ba vấn đề liên quan đến nước, đó là xã hội, kinh tế và môi trường. Đầu tiên là nguồn nước, tài nguyên nước phải được quản lý một cách hiệu quả. Thứ hai, chúng ta phải giảm thiểu các nguy cơ như: ô nhiễm, mất nguồn nước, cung cấp lượng nước không ổn định… Thứ ba, chúng ta phải có chế tài xử lý để đảm bảo hiệu quả và công bằng cho mọi đối tượng. Khi chúng ta làm tốt được các điều trên thì chúng ta sẽ giữ được an ninh nguồn nước. Việc phân rõ trách nhiệm quyền hạn của từng Bộ, ban ngành, địa phương sẽ điều hòa, phân phối tài nguyên nước, bảo đảm ổn định khai thác, sử dụng nước cho các ngành kinh tế, thực hiện theo đúng các quy định mà Luật Tài nguyên nước sửa đổi 2023 vừa được Quốc hội thông qua, sử dụng nước thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành. Từ đó, chúng ta có thể quản lý được nguồn nước và khai thác sử dụng nước một cách an toàn, hiệu quả và công bằng hơn.

-Là ĐBQH lại theo dõi rất sát lĩnh vực tài nguyên nước, ông có nhận xét gì về Luật Tài nguyên nước vừa được Quốc hội thông qua, nhất là trong công tác quản lý, điều phối, vận hành, có điểm mới gì khác biệt so với Luật Tài nguyên nước năm 2012?

Ông Nguyễn Quang Huân: So với các Luật Tài nguyên nước đã được ban hành trước đó, Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương, 86 điều, sơ bộ có thể kể ra một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nặng. Thứ hai, cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép. Thứ ba, chính sách sử dụng nước tuần hoàn. Thứ tư, chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa. Thứ năm, rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước. Thứ sáu, các trường hợp được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước. Thứ bảy, quy định rõ 11 trường hợp không cần kê khai, đăng ký, có giấy phép khai thác nước. Thứ tám là đưa công nghệ cao vào quản lý, khai thác nước. Ngoài ra còn nhiều quy định chi tiết khác.

-Để công tác quản lý, điều tiết tài nguyên nước cho các khu vực, vùng miền được hài hòa, chúng ta có nên sử dụng phương pháp hỗ trợ ( chẳng hạn như bộ công cụ, nền tảng số,…) không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Huân: Theo Luật Tài nguyên mới được Quốc hội thông qua, việc áp dụng công nghệ vào quản lý là 1 trong những điểm mới về thay đổi trong cách quản lý so với bộ luật trước đây. Thực tế, trên thế giới đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả, trong đó, có hai giải pháp là về kỹ thuật và quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được. Vì vậy, quản trị nước thông minh đang trở thành một xu thế lớn trên thế giới. Quản trị tài nguyên nước trên nền tảng kết hợp công nghệ số, sử dụng mô hình quản trị nước thông minh và tích hợp các quy định về quản lý nước để kiểm soát chất lượng sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Việc kết hợp này cũng kiểm soát được chất lượng nước, điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội.

Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng; tích trữ nước mưa để sử dụng cũng rất cần thiết. Ngoài ra, cần ưu tiên khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước.

Cái tiến bộ của Luật lần này là việc đưa công nghệ số vào kiểm soát cho khách quan hơn. Đặc biệt là quy định về Nextpay nghĩa là cơ sở dữ liệu. Khi triển khai cái này sẽ cho phép cấp nào được quyền truy cập, truy cập ở mức độ nào còn cấp nào thì không được vì có những thông tin thuộc bí mật quốc gia, chỉ cấp quản lý được quyền truy cập còn các thông tin bình thường thì người dân có thể truy cập. Luật lần này quy định rất là rõ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Mới đây, phát biểu tại một cuộc hội thảo với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học" do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp tổ chức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn, cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Theo thống kê, cả nước có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiều văn bản có liên quan đến nguồn nước, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để điều chỉnh tổng thể về nước, Quốc hội cũng đã yêu cầu các cơ quan rà soát các luật liên quan để bảo đảm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an ninh nguồn nước.

Cùng với đó là thực hiện nhiều giải pháp khác như: công tác quy hoạch, điều tiết nước, chuyển nước lưu vực sông; đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm an ninh nguồn nước; các giải pháp về khoa học và công nghệ trong dự báo, xây dựng vận hành các công trình tích nước, trữ nước, chuyển nước; tuần hoàn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bổ cập nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý an ninh nguồn nước...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam làm gì để bảo đảm an ninh nguồn nước?