Bước tiến về phương thức quản trị tài nguyên nước
Ngày 27/11, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước 2023. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” và bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 Chương và 86 Điều, đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: (1) Bảo đảm an ninh nguồn nước; (2) Xã hội hóa ngành nước; (3) Kinh tế tài nguyên nước và (4) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Luật Tài nguyên nước 2023 có nhiều điểm mới
Thứ nhất, quản lý tài nguyên nước tổng hợp thống nhất. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; Giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Luật được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Thứ hai, cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép. Đây là một bổ sung cần thiết tại quy định về các hành vi bị cấm. Cụ thể, Điều 9 Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép; Đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục; Khai thác trái phép bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; Phá hoại các công trình điều tiết, trữ nước; Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; Xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác, sử dụng nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.
Thứ ba, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi “sông chết”. Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (Điều 34, 72 và 74).
Đồng thời, bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; Ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu thực hiện đối với sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy thông qua việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).
Thứ tư, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế. Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước; Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước; Bổ sung quy định về hạch toán tài nguyên nước nhằm tính đúng giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công tác điều hòa phân bổ tài nguyên nước trên các lưu vực sông. Đặc biệt, thiếu nước sẽ hạn chế phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết và ưu tiên cấp cho sinh hoạt, các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước, tạo nguồn lực trong được chú trọng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế: Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa. Quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên.
Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước.
Thứ năm, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, sử dụng nước tuần hoàn. Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung các quy định chung trong khai thác, sử dụng nước; Quy định về đăng ký, cấp phép tài nguyên nước; Đặc biệt, bổ sung một số quy định về phân công rõ trách nhiệm cho các bộ, địa phương trong khai thác nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện.
Cùng với đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung thêm một số quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Đặc biệt, bổ sung quy định cụ thể về việc tuần hoàn, tái sử dụng nước, tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, tuỳ theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật.