Ảnh hưởng dịch virus corona, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 7 tỷ USD

Lê Mai (t/h)|08/02/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với ngành du lịch Việt Nam, ước tính sẽ phải chịu thiệt hại từ khoảng 6 đến 7,7 tỷ USD do ảnh hưởng của dịch trong 3 tháng tới, nhưng ngành du lịch không bi quan, hầu hết đang xây dựng kế hoạch kích cầu ngay khi dịch chấm dứt.

Chiều 6/2, Tổng Cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị Ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV, nhằm mục đích xin ý kiến các đơn vị liên quan trong toàn ngành về dự thảo Kế hoạch ứng phó của ngành Du lịch và các giải pháp để phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế.

Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố ước tính thiệt hại vì virus corona trong 3 tháng sẽ ở mức 5,9 – 7,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở thị trường khách Trung Quốc, quốc tế và nội địa. Với thị trường Trung Quốc, khách du lịch sẽ giảm 90 – 100%, tương ứng từ 1,7 đến 1,9 triệu lượt (1,8 – 2 tỷ USD). Các thị trường quốc tế khác được dự báo giảm 50 – 70%, tương đương 2 – 2,8 triệu lượt (2,2 – 3 tỷ USD). Thị trường nội địa giảm 50 – 70%, khoảng 10,9 – 15,3 triệu lượt (1,9 – 2,7 tỷ USD).

Xét trên cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm đều thiệt hại trung bình 1 – 1,8 tỷ USD mỗi ngành.

Những địa phương chịu ảnh hưởng của dịch đang chuẩn bị nhiều giải pháp cấp bách, vừa đảm bảo chống dịch, vùa đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bắc Mỹ, Tây Âu.

Ngành du lịch thiệt hại từ 5,9 – 7,7 tỷ USD do dịch virus corona.

Du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt khách năm 2019. Nguồn khách dồi dào này được kỳ vọng sẽ phần nào bù đắp được sự suy giảm khách quốc tế. Tuy vậy, các địa phương cần liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi.

Đây là khoảng thời gian khó khăn với du lịch Việt Nam nhưng nhân cơ hội này có thể kiện toàn chất lượng điểm đến, tập trung đào tạo nhân lực, đặc biệt xây dựng môi trường du lịch văn hóa văn minh và an toàn với sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là ý thức của chính người dân.

Theo các chuyên gia, việc xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam cần phải được tiến hành song song, đẩy mạnh trước và ngay sau khi dịch chấm dứt, và cần bám vào 2 mùa cao điểm là mùa hè với khách nội địa và mùa thu với khách quốc tế.

Ngành du lịch đã đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về thị trường; về quảng bá, xúc tiến du lịch; về truyền thông và các chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài. Trong đó, xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1 – 2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch sau khi dịch nCoV được kiểm soát là một trong những giải pháp cấp bách được đề xuất.

Cùng ngày, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch cũng cho phép mở cửa trở lại các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, chỉ yêu cầu các bên liên quan bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp lữ hành bày tỏ sự tán thành cao với quyết định này, đánh giá đây là hành động đúng đắn để duy trì hoạt động du lịch với các thị trường ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Trần Trọng Kiên, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cũng tin rằng sẽ có đợt bùng nổ du khách sau biến cố, đề xuất Chính phủ cho các doanh nghiệp được miễn giảm thuế, gia hạn miễn, giảm phí visa để thu hút du khách quay lại.

Lê Mai (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ảnh hưởng dịch virus corona, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 7 tỷ USD