(Moitruong.net.vn) – Ngày 21/11/2017, Tòa án nhân dân huyện Sơn Động, Bắc Giang đã xét xử lưu động vụ án phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại thôn Đặng, xã Vĩnh Khương, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Bị cáo Đặng Hiếu Hương tại phiên tòa
Bị cáo là Đặng Hiếu Hương (sinh năm 1990, thường trú tại thôn Khe Ang, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), bị truy tố về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 189 Bộ Luật hình sự, với hình phạt là 02 năm tù giam.
Theo cáo trạng của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sơn Động; ngày 16/3/2017, Đặng Hiếu Hương đã có hành vi hủy hoại, phát trắng 10.500 m2 rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại thửa đất số 158, tờ bản đồ số 2 (lô 2, khoảnh 1) thuộc địa phận thôn Đồng Chậu (nay là thôn Đặng), xã Vĩnh Khương, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; mục đích Hương phá rừng để lấy đất trồng cây keo.
Quá trình điều tra xác định tổng số cây gỗ bị chặt phá là 320 cây, đường kính gốc từ 08cm đến 46cm, cao từ 04m đến 20m; tổng trữ lượng cây gỗ đứng bị chặt phá xác định được là 33,896 m3, thuộc 06 nhóm gỗ, từ nhóm II đến nhóm VIII; ngày 05/6/2017, Hội đồng định giá tài sản huyện Sơn Động có kết luận xác định tổng giá trị số gỗ bị Hương chặt phá có giá trị là 28.749.000 đồng. Diện tích rừng trên là do Hương nhận chuyển nhượng của anh Vũ Văn Chúc (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), khi phá rừng Hương không xin phép cấp có thẩm quyền mà tự ý chặt, cắt phá. Ngày 15/4/2017, hành vi của Hương bị Hạt Kiểm lâm huyện Sợn Động kiểm tra phát hiện, lập hồ sơ vi phạm và bàn giao cho Công an huyện Sơn Động để điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngày 23/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 21 và ngày 30/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động đã ra Quyết định khởi tố bị can số 22, đối với Đặng Hiếu Hương về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại Điều 189 Bộ Luật hình sự.
Tại Điều 189 Bộ Luật hình sự quy định như sau:
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn;
d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;
b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Việc Tòa án nhân dân huyện Sơn Động, Bắc Giang xét xử lưu động, tuyên phạt Đặng Hiếu Hương 02 năm tù giam về tội “Hủy hoại rừng”, đây là hình phạt nghiêm khắc, có tính răn đe, phòng ngừa chung đối với hành vi phá rừng tự nhiên trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và trên cả nước nói chung.
Dương Đại Tiến – Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang