Bắc Kạn chủ động phòng, chống khô hạn cho cây trồng

Minh Trang|15/06/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, thời gian qua, nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn đứng trước nguy cơ mất trắng, không còn khả năng thu hoạch. Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn đã khẩn trương thăm nắm, kiểm tra công tác phòng, chống hạn.

Nắng nóng kéo dài đe dọa nhiều diện tích rừng

Từ ngày 22/5 tới nay, trên địa bàn Bắc Kạn đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy rừng do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, nền nhiệt ở mức cao so mọi năm.

Vào tối 22/5, tại rừng Cốc Coọng, xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể) đã xảy ra cháy rừng. Lực lượng chức năng đã huy động lực lượng tại chỗ với gần 100 người tiến hành các biện pháp dập lửa. Đến 2 giờ 30 phút sáng 23/5, đám cháy mới được dập tắt.

Đến chiều 30/5, trên địa bàn xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) xảy ra cháy rừng ở thôn Nà Kẹn, thiệt hại ban đầu khoảng 1ha.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy tỉnh Bắc Kạn, Quân đội, Công an, dân quân tự vệ địa phương đã tiến hành dập lửa, đến 19 giờ 15 phút tối 30/5, đám cháy mới cơ bản được khống chế.

Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, cây rừng là lau lách dễ bén lửa cộng với thời tiết hanh khô, nắng gắt nên một số vị trí đã cháy trở lại và phải đến chiều ngày 31/5, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, từ đầu năm tới nay, đã xảy ra hơn 11 vụ cháy trên đất lâm nghiệp, trong đó có bốn vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 3,6ha.

Đáng chú ý là chỉ trong thời gian ngắn từ đầu tháng 5 đến ngày 3/6 đã xảy ra một số điểm cháy tại thành phố Bắc Kạn, huyện Ba Bể, huyện Bạch Thông.

Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng phần lớn do bất cẩn của người dân khi làm nương, rẫy, phát, dọn xử lý thực bì, đốt rác... làm cháy lan vào rừng. Ngoài ra, khách quan là do thiên tai, phóng điện từ đường điện cao thế.

Hầu hết các vụ cháy xảy ra là rừng cây lau lách, vầu, nứa, cây bụi trên đất lâm nghiệp và rừng trồng. Đây đều là rừng dễ cháy, trong điều kiện thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài rất dễ bắt lửa, cháy lan nhanh.

Các khu vực cháy có địa hình cách xa khu trung tâm, có nơi cao dốc nên việc chữa cháy chủ yếu huy động nhân lực tại chỗ, sử dụng các thiết bị thủ công, thô sơ.

Không chỉ gây nguy cơ cháy rừng cao, nắng nóng kéo dài liên tục cũng làm chết nhiều diện tích rừng trồng mới tại Bắc Kạn.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, những ngày nắng nóng vừa qua mức nền nhiệt duy trì 36-39 độ C, dự báo nguy cơ cháy rừng nằm ở cấp IV đến cấp V, cấp dự báo nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.

Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc công điện, văn bản của Trung ương, của tỉnh tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Văn phòng Chi cục đến các Hạt, Trạm Kiểm lâm đều phân công trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm nắng nóng; bố trí lực lượng tuần tra, canh gác tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao; có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực có thể bị ảnh hưởng do cháy rừng, bảo đảm an toàn tính mạng cho người và tài sản.

chong-kho-han-cho-cay-trong.jpg
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp kiểm tra diện tích dong riềng khô hạn ở xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể)

Nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do nắng hạn

Tại huyện Ba Bể thống kê sơ bộ có khoảng 1.012ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, trong đó có xã Phúc Lộc là địa phương bị thiệt hại nặng nhất.

Ông Nông Văn Nhược, Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc cho biết: "Toàn xã trồng được khoảng 250ha ngô và 100ha cây dong riềng nhưng đến nay có từ 80% diện tích đứng trước nguy cơ mất trắng, trong đó 04 thôn vùng cao người Mông phụ thuộc chủ yếu vào cây nông nghiệp khả năng sẽ thiếu hụt lương thực rất cao".

Được biết đây là năm đầu tiên, xã Phúc Lộc đối mặt với hạn hán cục bộ, 16 thôn có cây nông nghiệp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) cũng là địa phương có nhiều diện tích dong riềng trồng trên đất soi bãi, tuy nhiên tại vụ này, một số khu vực cây không thể sinh trưởng, phát triển do nắng hạn. Chị Sầm Thị Ngân, ở thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh chia sẻ: "Vào thời điểm này như mọi năm, cây dong đã cao quá đầu người, nhưng hiện giờ có chỗ cây cao chưa nổi một mét”. Thời tiết tuy đã có mưa nhưng chị Ngân cho rằng với những cây còi thấp, chỉ ra vài lá khả năng sẽ không được thu hoạch.

Ngoài ra, trên địa bàn các huyện Ngân Sơn, Pác Nặm nhiều diện tích ngô đồi cũng bị ảnh hưởng, khả năng giảm năng suất rất cao. Trên cây lâm nghiệp, số diện tích trồng mới của vụ trồng rừng năm nay cũng bị tác động do nắng nóng, nhiều trường hợp phải trồng đi trồng lại nhiều lần, như huyện Chợ Mới, đã có hơn 220ha rừng trồng mới bị chết nắng.

Bắc Kạn hiện có khoảng 880hecta trong tổng số 8.500hecta lúa đang thiếu nước nghiêm trọng. Bà Đào Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn cho biết, một phần diện tích này được khắc phục bằng máy bơm hoặc chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn: “Với một số diện tích lúa bị hạn đơn vị cấp máy bơm, dầu cho địa phương, chính quyền huy động nhân dân cùng tham gia lắp đặt, sử dụng. Người dân cũng rất tích cực tham gia và cơ bản khắc phục được. Tuy nhiên, một số diện tích không có nguồn bơm đã phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.

Ngoài ra, hiện Bắc Kạn có hơn 600 hecta ngô cùng một số diện tích cây công nghiệp ngắn ngày khác cũng bị ảnh hưởng do hạn hán với các mức độ thiệt hại từ giảm 40% năng suất đến mất trắng. Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết, theo dự báo, hiện tượng El Nino còn có thể kéo dài sang năm 2024, do đó, ngành Nông nghiệp có khuyến cáo người dân về các biện pháp kỹ thuật cần thiết với từng loại cây trồng trong vụ mùa tới.

“Chúng tôi khuyến cáo các địa phương cần theo dõi, cập nhật thông tin đầy đủ về hạn hán, nhất là dự báo dài hạn về hiện tượng El Nino để chủ động đề ra giải pháp phù hợp ứng phó hạn hán, thiếu nước bảo vệ cây trồng. Mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, vì vậy các địa phương phải chủ động vấn đề này, cả trong lựa chọn loại cây trồng, biện pháp thực hiện sao cho phù hợp, tiết kiệm và đem lại hiệu quả cho người dân”, ông Hoàng Thanh Bình cho biết.

Hiện ở nhiều địa phương, người dân đã chủ động đắp phai, đào mương đất hay đặt cọn nước bên sông, suối để có thêm nước tưới cho những diện tích gieo trồng vụ mùa sắp tới.

Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Đợt nắng nóng diện rộng này, phần lớn diện tích bị ảnh hưởng chủ yếu là ngô đồi, dong riềng ở các thôn vùng cao. Ngành đã có văn bản chỉ đạo thống kê, rà soát diện tích bị hỏng do nắng hạn, tuyên truyền, vận động bà con chủ động khắc phục lại những cây trồng còn khả năng phát triển khi thời tiết thuận lợi. Với diện tích mất trắng sẽ tham mưu cho tỉnh vận dụng các chính sách đặc thù để tính đến phương án cứu đói, nhất là với những nơi phụ thuộc 100% vào cây lương thực. Về lâu dài sẽ tính toán chuyển đổi một số cây trồng từ giống địa phương sang loại cây có tính chịu hạn cao"./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Kạn chủ động phòng, chống khô hạn cho cây trồng