Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước”. Đây là một trong những nền tảng để Bạc Liêu tiếp tục đầu tư hạ tầng, nguồn lực để đảm bảo đề án được hiệu quả, đó được xem là một trong những giải pháp dài hạn góp phần tạo động lực cho ngành tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, ngành tôm của ĐBSCL và cả nước nói chung ngày càng phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa
Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn tôm nguyên liệu và hiện đại hóa trong chế biến xuất khẩu tôm đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong và ngoài nước sẽ giúp cho ngành tôm của Bạc Liêu đạt cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, đây là nền tảng quan trong để Bạc Liêu vượt qua khó khăn, vương tới khả năng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 01 tỷ USD trong năm 2025.
Để phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản và cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, TP. Bạc Liêu rất cần sự ưu tiên của tỉnh trong cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản, nâng cấp sửa chữa các hệ thống cống cấp, thoát nước; các công trình phòng chống thiên tai (đê, kè, cống đập trụ đỡ…); nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh tập trung, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường, nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Để tiếp tục hỗ trợ người nuôi tôm đạt kết quả cao trong vụ nuôi trồng tiếp theo, ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phục vụ nuôi trồng thủy sản như: thủy lợi, giao thông và lưới điện… hướng dẫn nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ nuôi trông thủy sản năm 2021.
Một giải pháp quan trọng khác là cần chủ động theo dõi việc sản xuất giống thủy sản chất lượng cao đối với các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể), đảm bảo 100% giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong tỉnh và thành phố; cung cấp một phần nhu cầu tôm giống chất lượng cao cho các tỉnh trong khu vực; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh tại các vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh; từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Nhật Lệ