Bắc Ninh: Hàng chục nghìn lượt khách đổ về các lễ hội cầu tài lộc và những điều tốt đẹp đầu xuân

Nhật Minh|26/01/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các lễ hội rước pháo Đồng Kỵ, hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật tích, đền Cùng giếng Ngọc, đền bà Chúa Kho thu hút hàng chục nghìn lượt du khách muôn phương tới cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp đầu xuân.

Độc đáo phiên chợ âm dương 

Phiên chợ âm dương diễn ra từ đêm ngày 25/1 đến rạng sáng ngày 26/1 ( tức đêm mồng 4, rạng sáng mồng 5 Tết Quý Mão), tại làng Ó, nay là khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

bac-ninh.png
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ là một trong 8 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016.

Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã gặp quân của Hai Bà và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh.

Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán. Họ đến bãi chiến trường để thắp hương và hóa vàng mã cho người thân. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian, từ đó có chợ âm dương. Chợ họp trên bãi đất trước là chiến trường.

Phiên chợ được coi là cuộc hội ngộ âm dương, giúp cho những người đang sống giải tỏa về mặt tâm linh để tâm hồn được thanh thản. Vì thế, chợ không ồn ào, người mua không mặc cả, người bán không ra giá, không sử dụng đèn vì sợ những linh hồn hoảng sợ, làm mất đi sự tôn nghiêm của không gian tâm linh, huyền bí.

Đầu xuân đi chợ âm dương làng Ó là một hình thức để cầu may mắn, an ủi, động viên nhau trút bỏ muộn phiền, đổi buồn lấy vui, mua may bán rủi... Chợ chủ yếu bán hàng mã, hương... dùng để hóa cho người đã mất; ngoài ra còn bán rượu, trầu cau, muối, bật lửa, hoa, cây, hạt giống và các loại hoa quả như gấc, cà chua, đu đủ, cà rốt...

Ở phiên chợ này, có một loại hàng bán rất đặc biệt đó là gà đen, biểu tượng cho sự thần bí, tâm linh. Chỉ những người nào thực sự may mắn mới mua được một con gà đen mang về sau phiên chợ.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh cho biết, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ của người dân địa phương, năm 2022 phiên chợ âm dương đã chính thức được phục dựng với phần lễ trình khai hội tại đình làng, lễ tại đền Thượng, lễ tuyên văn khai hội mở chợ; nghi thức lập đàn tế lễ của nhà sư trụ trì chùa Hồng Phúc cùng 300 phật tử tụng kinh niệm Phật phổ độ chúng sinh, cầu quốc thái dân an, hòa bình thịnh vượng, vạn sự cát tường. Phần chợ, ngoài bày bán các mặt hàng còn có hát Quan họ cổ, hát văn, viết chữ đẹp đầu năm. Qua 2 năm được phục dựng đã có rất nhiều người về chợ âm dương làng Ó để mua may bán rủi, gặp gỡ, tri ân đối với những người thân đã khuất.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu, chợ âm dương làng Ó mang nhiều ý nghĩa nhân văn, trong đó giá trị nổi bật là thể hiện đạo lý, lối sống, ứng xử nhân văn của người đang sống với người đã khuất, giữa thế giới dương và âm. Việc phục dựng lại phiên chợ âm dương trong lễ hội truyền thống khu phố Xuân Ổ là một trong những nhiệm vụ được xác định trong các nghị quyết về phát triển thành phố Bắc Ninh, thể hiện nỗ lực địa phương trong việc giữ gìn một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, độc đáo, riêng có ở vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh, đáp ứng nguyện vọng, niềm mong mỏi của cộng đồng người dân địa phương.

Tưng bừng lễ hội rước pháo Đồng Kỵ

bac-ninh-1.png
Hàng chục nghìn lượt du khách tới tham gia các lễ hội vùng Kinh Bắc.

Ngày 25/1, tức mồng 4 Tết Quý Mão, hàng nghìn người dân và du khách thập phương nô nức về phường Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn) tham dự lễ hội rước pháo Đồng Kỵ xuân Quý Mão-2023. Đây là một trong 8 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016.

Là một lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh ngày nay, lễ hội rước pháo Đồng Kỵ là dịp để nhân dân ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của ông cha trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Theo cụ Chử Văn Tý, 81 tuổi ở phường Đồng Kỵ: Truyền rằng, lễ hội pháo Đồng Kỵ có từ đời Hùng Vương thứ 6, Thành Hoàng làng là tướng Thiên Cương cùng Thánh Gióng đánh đuổi giặc Xích Quỷ, thắng trận trở về được dân làng mở hội khao quân, trong hội có đốt pháo.

Năm nay, lễ rước pháo có sự tham gia của hơn 1000 người gồm các đội cờ lọng, chiêng trống, múa lân, đoàn nhạc, kiệu pháo tràng, pháo Nhất, pháo Nhị... tái hiện lại không khí hào hùng của ông cha khi thắng trận. Đám rước diễn ra theo nghi thức truyền thống, thể hiện niềm tôn kinh, tin tưởng và ngưỡng mộ đức Thành Hoàng làng.

Ngay sau lễ rước pháo là nghi thức Dô ông đám. Những chàng trai tuổi từ 18 trở lên, thuộc nhiều dòng họ khác nhau trong phường Đồng Kỵ tham gia đỡ 4 ông quan đám biểu diễn ở sân đình. Đây là nghi thức nhắc lại sự tích Thánh Thiên Cương kén tướng tiên phong đi dẹp giặc. Ngoài những nghi lễ trang nghiêm, lễ hội Đồng Kỵ còn tổ chức phong phú hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT như: Hát Quan họ trên thuyền, hát Tuồng cổ, thi đấu vật, cờ tướng, cầu lông, bóng chuyền...Dô ông đám là phần sôi động, hồ hởi và thu hút người xem đông nhất trong lễ hội Đồng Kỵ.

Lễ hội Đồng Kỵ giống như một bảo tàng sống về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người được kế tục qua nhiều thế hệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Lễ hội là điều kiện thuận lợi để thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau ý thức trách nhiệm trong gìn giữ di sản văn hóa truyền thống quý báu của quê hương.

Ông Nguyễn Tiến Quyết, Phó Chủ tịch UBND phường, Phó Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Đồng Kỵ xuân Quý Mão cho biết: Đối với người dân Đồng Kỵ, việc được tham gia lễ hội là nhu cầu không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân sang, trong đó thế hệ trẻ của địa phương rất hào hứng tham gia. Sau 3 năm thực hiện giãn cách phòng chống dịch COVID-19, năm nay lễ hội Đồng Kỵ được tổ chức trang nghiêm phần lễ, tưng bừng phần hội với phong phú hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, bảo đảm thực hiện tốt nếp sống văn minh.

Để phục vụ hơn 20 nghìn người dân phường Đồng Kỵ và du khách thập phương về du xuân trảy hội, chính quyền địa phương đã giao Công an phường cùng với ban bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng bố trí cán bộ túc trực tại các vị trí nhằm bảo đảm hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm và vui tươi, lành mạnh.

Nô nức lễ hội chùa Phật Tích

Tại lễ hội chùa Phật Tích (Tiên Du) sáng mồng 4 Tết, hàng nghìn du khách thập phương về trẩy hội, dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn.

Lễ hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích diễn ra từ ngày mồng 3 đến mồng 5 tháng Giêng, trong đó mồng 4 là ngày chính hội, là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn và sớm trên địa bàn tỉnh.

Năm 1962, chùa Phật Tích được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia, năm 2014, chùa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ 2 nhóm bảo vật quốc gia gồm hàng linh thú đá, tượng Phật A Di Đà bằng đá.

Theo huyền thoại, xưa vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng nhiều hoa mẫu đơn. Hàng năm, mỗi khi xuân về, hoa mẫu đơn nở đỏ rực một góc trời. Khắp nơi, người người đổ về trảy hội ngắm hoa, vãn cảnh chùa. Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa. Nhưng vô tình nàng đánh gãy một cành mẫu đơn giữa cửa chùa, nên bị chú tiểu giữ lại. Chàng Từ Thức bèn cởi áo khoác xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng. Từ đó câu chuyện tình thơ mộng “Từ Thức gặp tiên” đã sống mãi với lễ hội Khán hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích.

Lễ hội Phật Tích gồm có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, phật tử vào tối mùng 5. Phần hội gồm các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tại trung tâm lễ hội như: Hát Quan họ trên thuyền, hội thi tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi...

Ngay từ đầu giờ sáng mồng 4 Tết, rất đông du khách khắp thập phương đã nô nức về chùa Phật Tích để lễ Phật, cầu bình an. Hàng nghìn người có mặt tại đây khiến các lối lên chùa, tháp chuông, Đại phật tượng A Di Đà chật kín.

Công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại lễ hội được bảo đảm. Ban chỉ đạo lễ hội tổ chức các điểm chốt chặn tại những khu vực đông người, huy động các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ túc trực, kiểm tra, bảo đảm an toàn khách du xuân trẩy hội.

Du khách đến đền Bà Chúa Kho  cầu tài lộc

bacninh-2.png
Đông đảo khách thập phương đến đền Bà Chúa Kho cầu tài lộc, may mắn đầu năm.

Tại điểm di tích Đền Bà Chúa Kho và Đền Cùng giếng Ngọc khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh( thành phố Bắc Ninh) ngày 25/1, tức mồng 4 tháng Giêng, hàng nghìn du khách đến cầu tài, cầu lộc đầu năm mới.

Tương truyền, Bà Chúa Kho là người phụ nữ quê làng Quả Cảm, nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng Quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1076) do Lý Thường Kiệt lãnh đạo. Bà còn có công chiêu dân, lập ấp ở vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Ðồng, giúp người dân khai khẩn đất đai nông nghiệp. Sau này Bà trở thành Hoàng hậu triều Lý, giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Bà bị giặc sát hại trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng.

Cảm kích tấm lòng bao dung của Bà, nhà vua đã phong Bà là Phúc Thần. Nhân dân Cô Mễ nhớ ơn và lập Đền Bà Chúa Kho tại vị trí kho lương cũ trên Núi Kho. Năm 1989, Đền Bà Chúa Kho được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn, Đền gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc như: Cổng Tam môn, Tiền tế, cung Đệ tam, cung Đệ nhị, cung Thượng (cung Bà Chúa), tòa Sơn Trang, Lầu Cô, Lầu Cậu, ban thờ "Cửu trùng thiên" và một số công trình phụ trợ khác.

Ngày 12 tháng Giêng hàng năm, tưởng niệm ngày giỗ Bà Chúa Kho, dân làng Cô Mễ cùng khách thập phương tổ chức lễ dâng hương, sắp lễ vật cúng Bà Chúa Kho, tiến lễ các ban thờ trong khu vực Đền.

Đền Bà Chúa Kho mở cửa đón du khách quanh năm nhưng thu hút du khách đông nhất vào tháng Giêng hằng năm, người dân nô nức đến làm lễ cầu tài lộc, may mắn. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng dân gian gắn với sự tri ân của nhân dân đối với nhân vật lịch sử có công lớn với dân với nước.

Để đảm bảo cho du khách tới dự lễ hộivà cầu tài lộc đầu xuân năm mới, Ban tổ chức (BTC) lễ hội đền Bà Chúa Kho phối hợp với các lực lượng an ninh làm tốt công tác giữ gìn trật tự, phân luồng giao thông tránh ùn tắc, phân công đội ngũ trực dọn vệ sinh bảo đảm môi trường sạch sẽ và quang cảnh cho lễ hội. Tại các khu vực đền, BTC để biển hạn chế đốt vàng mã, không thuê khấn mướn, cấm bán hàng rong…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Hàng chục nghìn lượt khách đổ về các lễ hội cầu tài lộc và những điều tốt đẹp đầu xuân