Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu quốc hội cũng như người dân quan tâm đề cập và nhấn mạnh tại buổi Tọa đàm “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”.
Bắc Ninh đang là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp và đô thị. Hiện tại, tỉnh có 2 thành phố là TP Bắc Ninh và TP Từ Sơn và 6 huyện, trong đó có 2 đô thị loại 4 là Quế Võ và Thuận Thành. Bắc Ninh cũng đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, các huyên sẽ trở thành quận hoặc thị xã.
Trạm xử lý nước thải nhà máy tại Bắc Ninh
Vậy thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã vận hành các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị ra sao? Trong quá trình thực hiện, địa phương này gặp những khó khăn gì? Cũng như Bắc Ninh đã có những giải pháp gì để nâng cao tỷ lệ nước thải sinh hoạt qua xử lý đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh xung quanh vấn đề này.
Ưu tiên đầu tư các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị
Chia sẻ về những biện pháp bảo vệ môi trường, theo ông Nguyễn Văn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh luôn chú trọng, quan tâm và đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường từ những năm trước đây Bắc Ninh cũng đã ban hành Đề án Tổng thể Bảo vệ môi trường toàn tỉnh, trong đó đã có các giải pháp xử lý môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh.tại buổi Tọa đàm “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”
Được biết, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại TP Bắc Ninh được xây dựng từ những năm 2003-2004, với công suất 17.500m3 ngày/đêm, xử lý được khoảng 30% lượng nước thải toàn thành phố. Còn tài TP Từ Sơn cũng đã có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt từ năm 2016-2017 với công suất 33.000m3 ngày đêm, xử lý được khoảng 70% lượng nước thải toàn thành phố. Các đô thị khác của tỉnh Bắc Ninh cũng đều có dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải, với công suất khác nhau. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thiện dự án, sớm đưa nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt vào vận hành.
Bắc Ninh hiện là 1 trong 3 tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn của khu vực phía Bắc và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2022 đạt khoảng 43%. Vì vậy, Bắc Ninh hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch vùng của tỉnh nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng. Theo ông Hoàn: “Khi xây dựng bản quy hoạch, tỉnh đều quan tâm, xác định vị trí, quy mô của nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị. Các đồ án này được quản lý chặt chẽ có nghĩa là vị trí đất đó chỉ dành cho cơ sở hạ tầng”.
Ông Hoàn nói thêm, các chỉ đạo, đề án và chương trình phát triển đô thị, kế hoạch đầu tư công của tỉnh đều đưa các danh mục xây dưng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị vào và coi là mục tiêu để ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, từ những năm 2015, các khu nhà ở, khu đô thị của Bắc Ninh đều thiết kế, thi công tách riêng hệ thống mạng lưới thu gom nước thải riêng, nếu chưa có nhà máy xử lý nước thải sẽ cờ đấu nối sau này.
Có cơ chế chính sách thông thoáng
Tuy nhiên, cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, việc đầu tư xây dựng cho nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cần nguồn vốn, kinh phí rất lớn. Ông Hoàn lấy ví dụ: “Để xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 10.000m3 ngày/đêm, số vốn mà Bộ Xây dựng cộng bố là 180 tỷ. Còn mạng lưới của các khu đô thị theo tôi tính trung bình phải gấp dôi con số đó, tức là với nhà máy có công suất 10.000m3 ngày đêm cần khoảng 400 tỷ mới thực hiện được”.
Nguồn vốn lớn như vậy trong khi đó nguồn đầu tư công hạn chế, nguồn xã hội hóa cũng khó khăn. Ông Hoàn lý giải: Nếu bỏ nguồn kinh phí đó ra, trong khi theo đơn giá mà một số khu vực đang thu tiền nước trong khoảng 3.000 – 3.500đ cho 1 khối nước xử lý, thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư rất lâu. Do vậy, tỉnh Bắc Ninh xác định trước mắt sẽ phải dùng vốn đầu tư công để triển khai nội dung này.
Trong quá trình đầu tư mạng lưới đường ống thu gom nước thải. Do việc đầu tư chậm, tốc độ đô thị hóa nhanh, các công trình trên đất đã hoàn thiện (làm vỉa hè bằng đá, bằng Terrazzo, cây xanh, đường giao thông, khi đầu tư mạn đường ống này sẽ phải cắt đi, đào lên) dẫn tới chi phí lớn. Khó khăn, phức tạp hơn nếu khu vực công trình thi công có nhà dân cần phải cọc cừ, cần phải kè, lúc đó chi phí sẽ đội lên.
Nguồn kinh phí cho việc xây dựng các công trình xử lý nước thải rất lớn
Một điều khó khăn nữa dễ nhận thấy theo ông Hoàn là bình thường nước thải sẽ chảy chung với nước mưa qua giếng tách và chảy về nhà máy xử lý. Nếu mưa lớn, nước thải và nước mưa sẽ hòa chung vào nhau sẽ chảy theo đường nước mưa dẫn tới các hồ điều hòa, kênh rạch chứa nước mưa sẽ có lẫn nước thải, khiến cho các hồ điều hòa có mùi, bẩn.
Để khắc phục những hạn chế khi quản lý, vận hành các công trình, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị hiệu quả, Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, chủ trương phân cấp về các địa phương là hoàn toàn đúng, vì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn. Hơn ai hết, các địa phương sẽ hiểu cách xử lý thế nào cho phù hợp
Hiện nay việc lựa chọn nhà thầu phù hợp khá quan trọng. nhà thầu họ sẽ cung cấp thiết kế, xây dựng và thiết bị. Được biết, nhiều nhà đầu tư bỏ ra rất nhiều tiền nhưng thu lại rất lâu. Nhiều nhà đầu tư họ tính được giá thành nhưng xử lý 1m3 nước thải bằng hoặc hơn 1m3 nước sạch. Nếu tính khấu hao nhà máy, chi phí vận hành rất lớn cộng với chế độ chính sách chưa rõ và họ chưa quan tâm. “Tôi đồng tình với các giải pháp của địa phương, của bộ, liên ngành, người dân và khu vực trong việc hạn chế xả thải. Cần tập trung vào cơ chế chính sách, xã hội hóa được mới có hướng đi đúng, còn sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn của nhà nước như hiện nay sẽ mất khoảng thời gian dài để các đô thị mới xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt”, ông Hoàn nói.
Vì vậy, ông Hoàn chia sẻ: “Cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong vấn đề này. Bắc Ninh luôn xác định bàn giao mặt bằng sạch; hạ tầng ngoài hàng rào nhà nước sẽ đầu tư, địa phương đã giải quyết các thủ tục hành chính đối với những công trình này hết sức nhanh, Có như vậy các công trình cấp nước sạch, công trình nhà máy điện rác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới thực hiện đúng tiến độ”.
Ngoài ra, các chỉ tiêu xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, Bắc Ninh đều đã đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu của tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó nêu rõ đến năm 2025, tỷ lệ hệ thống xử lý nước thải tập trung ở đô thị loại 4 đạt 80% và 100% chung cư, tòa nhà cao tầng phải có hệ thống xử lý nước thải. Trong chương trình phát triển độ thị và Kế hoạch đầu tư công của tỉnh cũng ưu tiên các công trình xử lý nước thải sinh hoạt.
Huyện Tiên Du đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình xử lý nước thải có công suất 12.000m3 ngày/đêm và dự toán gần 500 tỷ đồng; Yên Phong đã duyệt chủ trương đầu tư nhà máy xử lý nước thải với công suất là 10.000m3 ngày đêm, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Các huyện Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành đều có định hướng xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt. Các công trình này đều là công trình ưu tiên, cụ thể là ưu tiên về vốn, giải phóng mặt bằng… để sớm hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng, đáp ứng tiêu chuẩn Bấc Ninh trở thành đô thị loại 1 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2030.
Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung và công trình nhà máy xử lý nước thải nói riêng, tỉnh Bắc Ninh sẽ hỗ trợ và bàn giao mặt bằng sạch, các công trình hạ tầng ngoài tường rào nhà nước sẽ hỗ trợ giao thông, điện, hỗ trợ tiền thuê đất theo quy định chung, hỗ trợ trong việc giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành cùng phối hợp, đồng hành với nhà đầu tư khi triển khai các công trình về môi trường.
Nam Anh