Bài toán nước sạch vùng núi tỉnh Quảng Nam (Bài 3): Những giải pháp lâu dài và bền vững

Thanh Hải|22/06/2022 11:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Làm thế nào để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân miền núi ở vùng sâu, vùng xa, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây nắng nóng và kéo dài hiện nay là điều mà các cấp chính quyền và người dân thật sự trăn trở.

Đầu tư, quản lý hiệu quả các công trình cấp nước

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, hàng năm, UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã chủ động rà soát tình hình thiếu nước ở các khu vực dân cư, khu vực sản xuất để có phương án chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân trong tình hình khô hạn nhất. Trên cơ sở khảo sát khu vực nào có nguy cơ thiếu nước cao thì địa phương ưu tiên trong việc xây dựng các hệ thống cấp nước sinh hoạt.

nuoc-sach-vung-nui-tinh-quang-nam.png
Nhà máy nước sạch Tây Giang hoạt động ổn định nhờ được bổ sung thêm nguồn nước từ suối Tr’lêê

Ông Trần Văn Phước, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quỹ đất Đô thị huyện Tây Giang cho biết, mới đây, địa phương đã kéo một đường ống dẫn nước tạm dài 8km để dẫn nước từ suối Tr’lêê vào nhà máy nước Tây Giang, bổ sung nước sinh hoạt cho người dân.

Đặc biệt, đường ống này được giao cho phòng nông nghiệp theo dõi, kiểm tra thẩm định chứ không giao về địa phương như trước đây. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng không có quy chế vận hành, hư hỏng dẫn đến lãng phí như thời gian trước đây. Qua 1 năm triển khai đã cơ bản giải quyết được bài toán thiếu nước cho khu vực trung tâm huyện Tây Giang, góp phần ổn định đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất của các đơn vị, tổ chức.

Về lâu dài, địa phương đề xuất tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà máy nước mới với kinh phí 18 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức đánh giá đúng thực trạng của các công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân, nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu vùng xa. Từ đó, nghiên cứu xây dựng điểm cấp nước sạch được đầu tư bài bản ở mỗi xã và phải có tổ chức quản lý, với đội ngũ vận hành công trình có trình độ tay nghề, có kỹ năng sửa chữa, bảo dưỡng.

“Theo ghi nhận, khoảng 3 năm trở lại đây, mùa khô hạn ở Tây Giang kéo dài hơn, quá ít mưa. Việc dẫn nước là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần phải có nhà máy nước mới giải quyết được nhu cầu của người dân. Huyện đã đề xuất tỉnh về chủ trương lập dự án xây dựng nhà máy nước.” – ông Trần Văn Phước cho biết.

nuoc-sach-vung-nui-tinh-quang-nam-1.png
Đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang tuần tra, bảo vệ rừng

Bảo vệ rừng để giữ nguồn nước

Chưa bao giờ, thiếu nước sinh hoạt lại trở thành nỗi ám ảnh người dân vùng cao như 3 năm gần đây. Bên cạnh các giải pháp công trình, các địa phương ở miền Trung đã tính đến câu chuyện nâng cao ý thức cho bà con giữ rừng để bảo vệ nguồn nước. Đây được xem là giải pháp phi công trình nhưng đem lại hiệu quả lâu dài để “sống chung” với nguy cơ thiếu nước.

Gia đình anh A lăng Đội ở thôn Rabhươp, xã A Tiêng, huyện miền núi Tây Giang có 3ha trồng keo lá tràm. Khu rừng này có con suối ngang qua và gia đình anh bắt đường ống dẫn nước về nhà để sinh hoạt. Cuộc sống phụ thuộc vào nguồn nước tự chảy từ khe, suối ở rừng nên hơn ai hết anh Đội cùng bà con luôn hiểu và ra sức bảo vệ rừng để gìn giữ nguồn nước của mình. Anh Đội chia sẻ: Từ ngày thôn có lò đốt rác, bà con nhắc nhở nhau không vứt rác xuống sông suối, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm vì đây là lợi ích chung. Ngoài ra, bà con cũng hạn chế trồng keo vì nghe bảo loại cây này hút nước nhiều, làm thiếu hụt nước.

nuoc-sach-vung-nui-tinh-quang-nam-2.png
Trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để giữ nguồn nước

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho hay, địa phương đã tranh thủ nhiều nguồn lực khá để đầu tư cho các công trình cấp nước, tuy nhiên câu chuyện quản lý và nâng cấp là cái khó chung. Ngoài ra, việc suy kiệt nguồn cung cấp nước khiến nhiều công trình không thể tái sử dụng. Phương án dài hơi là cần bảo vệ rừng để giữ nguồn nước. Thực tế từ những khảo sát của địa phương thời gian qua cho thấy, rừng tự nhiên có vai trò rất lớn trong việc giữ nước. Vì thế, địa phương tích cực tuyên truyền để người dân chuyển đổi cơ cấu rừng trồng sang các loại cây lâu năm như lim, dổi, quế… vừa có giá trị kinh tế cao vừa bảo vệ rừng đầu nguồn.

“Đồng bào Cơ Tu có truyền thống giữ rừng là một lợi thế lớn trong việc tuyên truyền vận động bảo vệ rừng. Việc này góp phần đặc biệt quan trọng để giữ được nguồn nước trong cộng đồng, đặt vào bối cảnh BĐKH ngày càng khắc nghiệt, khó lường như hiện nay” – ông Linh cho hay.

Song song với việc tuyên truyền bà con hạn chế trồng keo, địa phương cũng áp dụng các giải pháp nghiêm ngặt để người dân đốt rừng làm nương rẫy, tác động vào rừng. Muốn được như vậy phải tạo được sinh kế bền vững cho người dân. Hiện nay địa phương đang xây dựng phương án trồng cây dược liệu dưới tán rừng xen lẫn với các loại cây lâu năm, xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, phù hợp với điều kiện canh tác gắn với giữ rừng.

"Hiện chúng tôi đang khảo sát một lượng nước suối trên đầu thượng nguồn ở suối Trà Lê, cách trung tâm huyện 8km có lượng nước đảm bảo. Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy nước, chúng tôi đang lập phương án, xin kinh phí của tỉnh khoảng 18 tỷ đồng, dẫn ống nước về huyện. Khi xây dựng nhà máy này, đường ống dẫn về sẽ đấu nối vào hệ thống, sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân"- ông Trần Minh Tạo cho biết.

nuoc-sach-vung-nui-tinh-quang-nam-3.png
Với tình hình biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng nóng lên, khô hạn kéo dài thì vấn đề giữ nguồn nước là rất quan trọng với người dân vùng cao.

Tăng độ che phủ rừng

Rừng như một đặc ân của Mẹ thiên nhiên ban cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở dọc dãy Trường Sơn. Một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước trên các sông, suối cạn kiệt theo từng năm là do những cánh rừng đầu nguồn bị chặt phá trái phép và người dân đốt nương làm rẫy. Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho biết, qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy rừng đầu nguồn có vai trò lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, cân bằng về mặt sinh thái và giảm thiểu rủi ro thiên tai, lũ lụt. Ở các khu vực rừng rậm có thảm mục và lớp mùn khá dầy, khả năng lưu giữ lượng nước mưa rất lớn. Tại đây, lượng nước mưa rơi xuống chảy ra khỏi rừng chỉ có từ 3% đến 34%. Rừng trở thành "hồ chứa tự nhiên" có tác dụng trữ nước vào mùa mưa và là nguồn cung cấp nước cho sông suối vào mùa khô.

“Nếu rừng bị suy thoái, chất lượng nước suy giảm, ảnh hưởng đến vấn đề cấp nước cho người dân tại chỗ và người dân vùng hạ lưu, chưa nói đến rủi ro về thiên tai, lũ lụt. Chẳng hạn như ở Tây Nguyên hay chính tại Quảng Nam, nơi nào phá rừng nhiều thì nguồn nước bất ổn, nơi nào rừng được bảo vệ thì nước có quanh năm. Quan trọng giữ được rừng đầu nguồn, nhất là rừng tự nhiên, đòi hỏi phải có sự chung tay của chính quyền, cộng đồng người dân và sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường.” – PGS. TS Lê Anh Tuấn cho hay.

Bài liên quan
  • Bài toán nước sạch vùng núi tỉnh Quảng Nam (Bài 2): Nguyên nhân đến từ đâu?
    Moitruong.net.vn – Có rất nhiều nguyên nhân khiến thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở vùng núi tỉnh Quảng Nam, phải kể đến như sự xuống cấp của các công trình nước sinh hoạt, điều kiện thời tiết nắng nóng và nguồn tài nguyên rừng bị suy giảm ảnh hưởng tới chất lượng nước mặt, nước ngầm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bài toán nước sạch vùng núi tỉnh Quảng Nam (Bài 3): Những giải pháp lâu dài và bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.