Ngày 25/11/1991, TP.HCM đánh dấu bước đầu tiên phát triển khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) với dự án xây dựng KCX Tân Thuận.
Vượt qua những khó khăn thử thách, từ thành công của mô hình KCX Tân Thuận, lần lượt các KCX, KCN tại TP.HCM, cũng như hầu hết tỉnh, thành trong cả nước được thành lập. Sau 30 năm, TP.HCM có 3 KCX và 14 KCN đi vào hoạt động, góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM phát triển.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) được thành lập từ năm 1992 nhằm giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có các dự án đầu tư trong KCX - KCN được hoạt động thuận lợi và phát triển.
Tính đến tháng 9/2022, các KCX, KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Bình quân hàng năm, các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP.HCM trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô).
Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của Thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.
Các dự án đầu tư đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ. Các ngành nghề chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao là điện tử - viễn thông - tin học, dịch vụ, cơ khí, hóa chất - nhựa - cao su, dệt may, thực phẩm.
Nhiều quốc gia đầu tư vào KCX, KCN, trong đó Singapore có vốn đầu tư cao nhất, kế đến là Nhật Bản, British Virgin Islands…
Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Hepza rất quan tâm và chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, hằng năm, Hepza đã phối hợp tổ chức tuyên tuyền các nội dung về BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nước và năng lượng tiết kiệm, nghiên cứu tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu trong quá trình sản xuất, sản xuất bao bì thân thiện môi trường, vật liệu xây dựng xanh và các sản phẩm thân thiện môi trường khác. Đồng thời, tăng cường đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quản lý, bảo vệ môi trường cho các nhân viên chuyên trách, chủ doanh nghiệp và công nhân để họ nâng cao nhận thức và có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Hepza đã thường xuyên kiểm tra việc thực hiện luật BVMT và tài nguyên nước của các đơn vị trong KCN và trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt nghiêm về môi trường.... Qua đó nâng cao ý thức cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh phải đầu tư hệ thống xử lý môi trường đồng bộ góp phần vào sự phát triển chung của đơn vị và khu công nghiệp.
Theo định hướng của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, các KCX, KCN tại TP.HCM đến năm 2025 là chuyển dần sang KCN xanh, sạch và KCN ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ cao, bao gồm: Cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến lương thực - thực phẩm và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu.
Theo Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh - ông Hứa Quốc Hưng cho biết: "Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận. Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các KCX, KCN TP.HCM, cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế (KKT) trong cả nước từ đó đến nay".
Qua quá trình phát triển, các KCX, KCN của Thành phố đã tạo được nền móng đầu tiên cho việc thu hút FDI vào thành phố và cả nước, thúc đẩy sự phát triển đô thị ở các khu vực xung quanh và hình thành hành lang pháp lý trong suốt quá trình hoạt động.
Trước bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh trên mọi lĩnh vực; đặc biệt khi nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phục hồi sau đại dịch đã đặt ra cho các KCX, KCN của thành phố yêu cầu phải đổi mới.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, các KCX, KCN đã đạt được thành quả nhất định, hoàn thành sứ mệnh của giai đoạn đầu và tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo. Trong giai đoạn phát triển mới, các KCX, KCN của thành phố sẽ góp phần từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ, là thành phố hiện đại, thông minh, năng động sáng tạo. TP.HCM trở thành nơi thu hút nhân tài, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.