Theo ông Bùi Tấn Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay, trên địa bàn đã có 9.882 ha rừng trồng gỗ lớn của Công ty Cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài trồng hơn 3.000 ha, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh 1.917 ha, Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn 2.921 ha, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn gần 725 ha, còn lại là của các hộ dân sống cạnh rừng.
Hiện Bình Định có khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có khoảng 150 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định. Mỗi năm, ngành gỗ Bình Định phải cần đến 1,2 triệu m3 gỗ tròn nguyên liệu, chiếm gần 80% trong đó là nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, gỗ rừng trồng chỉ chiếm hơn 20%.
“Từ thực tế trên, Bình Định đề ra lộ trình trồng rừng gỗ lớn để vừa tăng giá trị cho gỗ rừng trồng, vừa để ngành chế biến gỗ xuất khẩu bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Theo đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2025, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có 10.000 ha rừng trồng gỗ lớn được trồng tập trung”, ông Thành cho hay.
Theo ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư liên kết trồng rừng bền vững, đơn vị này còn tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
“Theo đó, các tổ chức, cá nhân, hộ dân trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn được hỗ trợ bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ FSC, hỗ trợ thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng… nhằm thực hiện hiệu quả đề án của UBND tỉnh về phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn. Theo kế hoạch, đến năm 2025 Bình Định sẽ có 10.000 ha rừng gỗ lớn được trồng tập trung, đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn sẽ tăng đến 50.000 ha”, ông Sáu cho hay.
Để phát triển rừng gỗ lớn, các doanh nghiệp, nông dân được ngành chức năng Bình Định hướng dẫn việc xác định lập địa phù hợp. Đất phát triển rừng gỗ lớn phải là đất thịt xốp, tầng đất dày từ 0,7m trở lên. Vùng đất trồng rừng gỗ lớn cần có khí hậu phù hợp, nằm độ cao dưới 600m so với mực nước biển. Người trồng rừng gỗ lớn còn được khuyến cáo nên chọn các giống keo lai, keo lá tràm, cây bản địa gồm sao đen, dầu rái, giáng hương, dổi… có nguồn gốc chất lượng.
Ông Lê Đức Sáu thông tin thêm: Trồng rừng gỗ lớn có thời gian dài, như cây keo có chu kỳ trên 10 năm, hay các loại cây bản địa như cây cà te, hương trên 70 năm nên nguồn vốn đầu tư khá cao, công chăm sóc lâu dài. Nhưng nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn để phát triển rừng gỗ lớn hiện nay lại chưa thực hiện được.
Ông Lê Đức Sáu chia sẻ: Để người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, phải có những chính sách hỗ trợ về vốn vay cũng như giao quyền sử dụng đất để người dân yên tâm trồng rừng. Ngoài ra, cần thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện liên kết với người dân tạo thành các chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu cây gỗ lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang nghiên cứu cho các Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh và Sông Kôn liên kết với các hộ dân để chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Một vấn đề nữa cũng cần được tháo gỡ, đó là khu vực miền Trung nắng nóng kéo dài và nhiều bão lũ, gây ra rủi ro cao đối với rừng gỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp đã tính toán đến việc mua bảo hiểm cho rừng gỗ lớn nhưng hiện chưa có Công ty bảo hiểm nào bán. Do đó, cần có những chính sách bảo hiểm để doanh nghiệp và người dân đảm bảo nguồn vốn tái sản xuất khi có thiên tai xảy ra.
Trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC, ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao còn có những tác động tích cực về môi trường tự nhiên. Đặc biệt, độ che phủ của rừng duy trì hàng chục năm nên đất đai không bị mưa gió làm xói mòn. Do vậy việc khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn là một định hướng đúng đắn của tỉnh Bình Định hiện nay.