Lạng Sơn có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 80% diện tích tự nhiên. Để khai thác lợi thế này, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp phát triển lâm nghiệp, nhất là trồng rừng gỗ lớn, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng đến nay đạt 63,8%, đứng thứ tư cả nước.
Gia đình ông Phạm Văn Vinh ở thôn Khe Cháy, xã Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn có diện tích đất rừng khá lớn, tuy nhiên, do gia đình ông trồng manh mún nên thu nhập từ rừng không cao.
Năm 2021, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị quyết 08 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2025, gia đình ông đã được giải ngân 500 triệu đồng để đầu tư vào mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Ông Vinh chia sẻ: “Những năm trước đây, do nguồn vốn hạn hẹp gia đình tôi chỉ trồng được 4ha thông và cây keo lai. Năm 2021, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi đã trồng mới được 14ha, phủ toàn bộ 18ha diện tích đất rừng được nhà nước giao. Tôi cũng xác định trồng rừng gỗ lớn sẽ mất nhiều thời gian hơn để thu hoạch, do đó cũng đã có những phương án lấy ngắn nuôi dài nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình”.
Nhận thấy việc phát triển trồng rừng gỗ lớn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, huyện Đình Lập đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân trồng và phát triển cây gỗ lớn. Từ việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và công tác bảo vệ phát triển rừng đến việc hỗ trợ giống cây lâm nghiệp...
Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030, từ năm 2020 đến nay, ngành chức năng huyện Đình Lập đã triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững cho 42 nhóm hộ với diện tích hơn 4.500ha rừng trồng keo tai tượng và thông mã vĩ tại 5 xã của huyện.
Qua đó, định hướng người dân phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao sản lượng, chất lượng gỗ rừng trồng, là điều kiện cho xuất khẩu lâm sản. Toàn huyện hiện có khoảng 93.000ha đất có rừng, trong đó, có 60.000ha rừng trồng.
Ông Hoàng Thanh Đạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Trong những năm qua huyện luôn chú trọng nâng cao giá trị lâm nghiệp, quan tâm thu hút đầu tư hệ thống chế biến tập trung quy mô sản xuất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn".
"Để phát triển lâm nghiệp bền vững, ngành chức năng huyện đã hướng dẫn người dân thực hiện mô hình chăn nuôi và trồng dược liệu dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, toàn huyện có hơn 30 mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng với tổng đàn trên 20.000 con, thu nhập đạt từ 100 đến 300 triệu đồng/năm, phát triển được trên 300ha cây dược liệu các loại. Từ đó, người dân có điều kiện kinh tế để xoay vòng vốn đầu tư chăm sóc rừng”, ông Đạm chia sẻ.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng, nổi bật như: chính sách hỗ trợ cho vay đối với người trồng rừng; cải thiện chất lượng giống cây lâm nghiệp; quy hoạch cơ cấu vùng cây trồng hợp lý để tạo vùng trồng tập trung, ổn định; các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng trồng...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Vũ Văn Thịnh cho biết: Thu nhập từ rừng của người trồng rừng ngày một cao hơn, người dân đã nhận thức được giá trị của việc chuyển trồng rừng gỗ nhỏ, rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, do vậy giá trị thu về tăng gấp 4 đến 5 lần so với thời điểm năm 2020. Vì thế, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh tăng từng năm. Cụ thể, năm 2021, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 4.053 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng đạt gần 3.930 tỷ đồng; năm 2022, giá trị ngành lâm nghiệp của tỉnh đạt 4.570 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn như: Vùng trồng thông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc, với tổng diện tích 110.000ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng... với diện tích hơn 31.200ha... Một số sản phẩm gỗ của tỉnh như ván ép cao cấp, ván bóc, dăm gỗ; lâm sản ngoài gỗ như: nhựa thông, hoa hồi,... đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và Nhật Bản. Sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Vũ Hoàng Quý: Để khai thác tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp, từ năm 2011 đến nay tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 46 đề án ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, thông qua các hội chợ... với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã thu hút 24 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như: Trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, sản xuất, chế biến gỗ công nghệ cao, bảo vệ rừng, sản xuất, chế biến lâm sản... với tổng vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ đồng.
Để tăng giá trị sản phẩm gỗ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lý Việt Hưng cho biết: Tỉnh đã triển khai thực hiện: “Thí điểm cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện Đình Lập” (Chứng chỉ do Tổ chức cấp chứng chỉ rừng liên minh châu Âu (FSC hoặc PEFC) cấp; gỗ đạt chứng chỉ được chấp nhận và lưu thông rộng rãi tại các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu,... Lợi ích khi được cấp chứng chỉ rừng đem lại rất lớn, riêng về giá trị kinh tế, giảm thiểu lãng phí các nguồn tài nguyên từ rừng, tăng giá trị kinh tế các sản phẩm khoảng 20 đến 30%, so với các sản phẩm thông thường.
Tỉnh cũng đã xây dựng Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, mục tiêu là trồng 45.000ha; bình quân mỗi năm tỉnh sẽ phải trồng khoảng 9.500-10.000ha, trong đó, có 800ha/năm là rừng gỗ lớn. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC) đạt 5.000ha... Giai đoạn 2026-2030, trồng rừng mới hằng năm 10.000ha/năm, trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn là 1.500ha/năm; diện tích rừng được cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC) đạt 10.000ha... Để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, từ năm 2017 tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn (khai thác sau 10 năm), tùy từng khu vực từ 8 đến 10 triệu đồng/ha...
Để phát triển lâm nghiệp bền vững, tương xứng với tiềm năng, khắc phục những hạn chế. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực áp dụng các biện pháp, kỹ thuật sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất lâm nghiệp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; ưu tiên tập trung đầu tư một số dự án để tạo sự đột phá như: Dự án sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án xây dựng mô hình rừng trồng chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững...