Bình Định: Hơn 5 nghìn ha đất bỏ trống vụ hè thu, không thể sản xuất do thiếu nước

Bảo Anh (T/h)|25/04/2020 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Do nguồn nước từ các hồ chứa giảm mạnh, nên có hơn 5 nghìn hecta đất sản xuất lúa, tại 10/11 huyện, thị xã, thành phố phải bỏ hoang, không đưa vào sản xuất.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định, từ tháng 3 đến tháng 8 lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10% đến 30%, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang bị thiếu hụt sẽ bị thiếu hụt hơn.

Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, dung tích các hồ chứa thủy lợi hiện nay bị thiếu hụt hơn 22,8% so với cùng kỳ năm 2019, dự báo lượng mưa năm 2020 thấp hơn TBNN, khả năng hạn hán nghiêm trọng hơn năm 2019 nếu không có các biện pháp chủ động ngừng sản xuất trên diện tích thường bị hạn và thực hiện các giải pháp chống hạn (năm 2019, Bình Định đã trải qua đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng nhất trong vòng 15 năm).

Trạm bơm Vân Hà – Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định

Cụ thể, toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi, sau mưa ngày 13/4, các hồ chứa được đóng lại và trữ nước, không cung cấp nước cho khu tưới, dung tích các hồ chứa đến ngày 20/4/2020 được 323/590 triệu m3, đạt 55% dung tích thiết kế, bằng 80% so cùng kỳ năm 2019, nếu không kể hồ Định Bình, dung tích nước tại các hồ chứa là 157 triệu m3, đạt 43% thiết kế (bằng 66% cùng kỳ năm 2019).

Trong khi đó, tổng dung tích trong các hồ thủy điện đạt khoảng 34,3% so với toàn bộ dung tích thiết kế, thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 28,6%. Khả năng bổ sung nước vào hồ Định Bình của các nhà máy thủy điện trong lưu vực rất hạn chế, chỉ khoảng 25 triệu m3.

Nhận định năm 2020 hạn hán sẽ diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, Sở NN&PTNT Bình Định đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định triệt để thực hiện các giải pháp chống hạn như: Hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong điều kiện nắng hạn, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học; kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong điều kiện nắng hạn; tổ chức kiểm đếm nguồn nước để tính toán xác định diện tích và khoanh vùng sản xuất, xây dựng kế hoạch cấp nước theo công trình quản lý và thông báo đến từng địa phương về kế hoạch tưới nước để chủ động sản xuất.

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sản xuất với diện tích, mùa vụ, cây trồng đã được thống nhất. Dự kiến giữ nguyên diện tích bỏ trống, không sản xuất là 5.165 ha tại các vùng đã được xác định thiếu nước, không có khả năng cấp nước để tập trung nguồn lực cung cấp nước tưới cho các vùng canh tác khác.

Bảo Anh (T/h)

Bài liên quan
  • Nông dân Long An bội thu trong mùa khô hạn
    Moitruong.net.vn – Khác với các địa phương ở Cửu Long hiện đang vào đỉnh điểm của khô hạn, huyện Đức Hòa, Long An đang được tưới mát bởi dòng nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) liên tục chảy về trên hệ thống thủy lợi Phước Hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định: Hơn 5 nghìn ha đất bỏ trống vụ hè thu, không thể sản xuất do thiếu nước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.