Bình Dương: Đảm bảo an ninh nguồn nước

Hoài Phương (T/h)|14/11/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bình Dương đã lập quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035, làm cơ sở cho việc phân bổ, điều hòa, bảo vệ nguồn nước.

Bình Dương có nguồn nước dưới đất chủ yếu là nước nhạt với 05 tầng chứa nước chính, gồm 04 tầng chứa nước lỗ hổng và 01 tầng chứa nước khe nứt. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh khoảng 2.180.000 m3/ngày. đêm, tương đương khoảng 797 triệu m3/năm. Về nước mặt, tỉnh được bao bọc bởi 03 sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, cùng với 01 sông nội tỉnh là sông Thị Tính. Mật độ sông suối khá dày đặc, tại thượng nguồn từ 0,7 km/km2 đến 0,9 km/km2, hạ nguồn là 0,4 km/km2 đến 0,5 km/km2. Tổng lưu lượng nước của các sông lớn trên địa bàn tỉnh trung bình năm khoảng 17.753,27 triệu m3. Bên cạnh nguồn nước sông, trên địa bàn tỉnh còn có 07 hồ chứa với tổng dung tích hữu ích lên tới 1.138 triệu m3 nước và là nguồn trữ lượng dồi dào để khai thác, sử dụng.

Chế độ dòng chảy của các sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị chi phối bởi các công trình thượng nguồn như: Đập Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn, đập Trị An trên sông Đồng Nai, đập Phước Hòa trên sông Bé, đồng thời chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều, nhất là khu vực phía Nam của tỉnh. Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương là một nguồn tài nguyên quý giá, vừa cung cấp nước phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, vừa là hệ thống thoát nước tự nhiên cho cả khu vực.

Ông Lê Văn Tân-Trưởng phòng Tài nguyên nước- Khoáng sản và Khí tượng thủy văn-Sở TNMT chia sẻ, nhìn chung chất lượng nước dưới đất tại các vị trí quan trắc còn tương đối tốt, nước có vị nhạt, không màu, hàm lượng các nguyên tố thay đổi theo mùa, các chỉ tiêu phân tích đều đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, một số khu vực như phường Vĩnh Phú của thị xã Thuận An nước dưới đất bị nhiễm mặn, (hàm lượng Clorua vượt quy chuẩn nhiều lần) do khu vực này tồn tại một ranh mặn từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Bảo vệ tài nguyên nước luôn được quan tâm hàng đầu. Tỉnh đã ban hành danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất từ năm 2011 tại khu vực phía Nam tỉnh, đến năm 2015 đã điều chỉnh bổ sung danh mục vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất trên toàn tỉnh và đến nay đang thực hiện đề án điều chỉnh vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Đập thủy điện Phước Hòa-huyện Phú Giáo

Đảm bảo đủ nước sạch khi sự cố xảy ra

Theo Sở TNMT Bình Dương, công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mặt cũng đã được tăng cường thông qua nhiều giải pháp như tăng cường công tác thanh kiểm tra, công tác quan trắc giám sát, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, công tác cấp phép xả nước thải vào nguồn nước. Hiện nay, Sở TNMT đang thực hiện đề án “Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các sông suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đề án hoàn thành sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu và đưa ra các giải pháp quản lý bảo vệ nguồn nước mặt hiệu quả trong thời gian tới.

Đối với nước mặt, tỉnh đã đầu tư xây dựng 02 trạm quan trắc thủy văn trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ với tần suất 01 tháng/lần tại 26 vị trí trên các sông suối, kênh rạch thuộc địa bàn tỉnh để kiểm soát chất lượng nước mặt, trong đó có 4 điểm quan trắc tự động.

Đối với nước dưới đất, tỉnh đã đầu tư thiết bị quan trắc tự động, duy trì việc quan trắc động thái nước dưới đất tại 37 công trình quan trắc nước dưới đất. Hiện nay, tỉnh đang đầu tư xây dựng thêm 18 công trình quan trắc nước dưới đất. Kết quả của quá trình quan trắc đã giúp cho tỉnh kịp thời phát hiện những diễn biến xấu về chất lượng, trữ lượng nước và đưa ra những giải pháp phù hợp để bảo vệ tài nguyên nước.

Ông Tân cho biết thêm, hiện nay Công ty Cổ phần nước – Môi trường Bình Dương – Đơn vị cấp nước tập trung chính, lớn nhất trên địa bàn tỉnh đã xây dựng Kế hoạch cấp nước an toàn. Kế hoạch được xây dựng căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn. Kế hoạch đã có giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước đầu vào, đầu ra và các phương án xử lý trong quá trình hệ thống xử lý, hệ thống phân phối gặp sự cố. Đặc biệt các nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh được liên thông với nhau nên có thể ứng phó kịp thời khi một nhà máy náo đó gặp sự cố về nguồn cấp nước.

Hiện tại nguồn nước chính được lấy từ nước sông Đồng Nai để xử lý và cung cấp cho các khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh nguồn nước, Công ty đã xây dựng gần 100 giếng khoan có công suất từ 300-500m3/ngày lấy nước từ các tầng chứa nước dưới đất để dự phòng trong trường hợp nguồn nước mặt gặp sự cố.

Hoài Phương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Đảm bảo an ninh nguồn nước