Bình Phước chủ động trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất

Linh Đan|22/02/2024 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 21/2, Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp cấp nước thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa nắng nóng năm 2024 đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình 3 tháng đầu năm 2024 cao hơn khoảng 0,8°C đến 1,3°C. Từ đầu năm 2024 đến nay hầu hết các tỉnh khu vực phía Nam không có mưa hoặc chỉ có mưa nhỏ, lưu lượng không đáng kể.

Do đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước đã đề nghị các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở, ngành và các đơn vị cấp nước bảo vệ nguồn nước và an toàn hệ thống cấp nước trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, giám sát các đơn vị cấp nước sạch đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất cho người dân trên địa bàn; đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất cho người dân tại các khu vực xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Có biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình trạng thiếu nước để cung cấp nước cho người dân với giá cao nhằm trục lợi. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

thieu-nuoc-sinh-hoat.jpeg
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cũng nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực tỉnh và Chi nhánh Điện lực các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định để phục vụ sản xuất của các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như nước sinh hoạt của người dân. Tổng kiểm tra, rà soát tình hình cung cấp nước, có giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, đảm bảo ổn định cấp nước về số lượng và chất lượng đối với các khách hàng dùng nước, đặc biệt là các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, ký túc xá.

Triển khai đầu tư mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước đến khu vực chưa có nước sạch thuộc địa bàn được giao vận hành quản lý. Đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào khai thác và sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ thiếu nước cao. Đảm bảo cấp đúng, cấp đủ phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất các khu đô thị tập trung, các khu công nghiệp.

Được biết, đến nay tại Bình Phước, tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,2%; sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam 10,93%. Hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,1%; sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam 2,74%. Trong khi đó, các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn hoạt động kém bền vững vẫn chiến tỷ lệ lớn. Trong số 42 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn, có 11 công trình hoạt động bền vững, 3 công trình hoạt động tương đối bền vững, 17 công trình hoạt động kém bền vững, 11 công trình không hoạt động.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước vừa có Đề án về nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn với tổng mức đầu tư khoảng 10.400 tỷ đồng, hơn 6.680 tỷ là nguồn vốn xã hội hóa.

Đề án này được triển khai nhằm bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Công suất cấp nước đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và đạt khoảng 559.800 m3/ngày đêm giai đoạn 2026 - 2030.

Bên cạnh đó, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Bình Phước thực hiện Dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu với khoảng 20 triệu USA từ nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Dự án này nhằm triển khai 4 hợp phần xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi vùng ven hồ Dầu Tiếng - huyện Hớn Quản, hồ Phước Hòa - huyện Chơn Thành, xây dựng và hiện đại hóa hệ thống kênh thủy lợi sau Cần Đơn - huyện Bù Đốp, nâng cấp, hiện đại hóa kênh mương các công trình hồ đập trên địa bàn huyện Lộc Ninh để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước chủ động trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất