Quảng Nam: Huyện Duy Xuyên nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt do nước sông nhiễm mặn

Vũ Thành|17/05/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều năm nay, nguồn nước sông trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị nhiễm mặn khiến người dân phải chật vật tìm nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, ăn uống hằng ngày.

Hàng năm, từ khoảng tháng 4 bắt đầu mùa nắng nóng, hệ thống nước máy của Xí nghiệp Cấp thoát nước Nam Phước bị nhiễm mặn, dẫn đến tình trạng hàng nghìn hộ dân sử dụng nước sạch của xí nghiệp này gặp trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày.

13f66daf-d02a-4d42-86db-022ccb9a4935.jpeg
Nước máy để khoảng vài ngày thì bị màu vàng đục

Ông Phạm Cảnh Lâm (58 tuổi, khối phố Bình An, thị trấn Nam Phước) cho biết, nguồn nước máy của Xí nghiệp Cấp thoát nước Nam Phước cung cấp nhiễm mặn nghiêm trọng, không thể sử dụng. Để có nước sinh hoạt, gia đình ông Lâm đành dùng nguồn nước giếng bơm trong vườn nhà. 

“Nước có vị mặn, dùng nấu nướng thì đồ ăn rất dở. Nước nhiễm mặn còn khiến nhiều vật dụng bằng kim loại nhanh hư hỏng, phải thay nhiều lần rất tốn kém. Hằng tháng, gia đình tôi đóng tiền đầy đủ cho xí nghiệp nhưng nước thì vẫn thiếu như thường” - ông Lâm bức xúc.

Hơn 15 năm sử dụng nước sạch của Xí nghiệp Cấp thoát nước Nam Phước, ông Phạm Bốn (khối phố Bình An) cho biết, mùa hè ông phải đi mua máy lọc về xử lý nước bị nhiễm mặn, lại còn phải mua thêm nước bình mới đủ dùng. Nhiều hộ dân khó khăn thì không thể mua nước sạch. 

“Lo ngại nhất là khi tắm, da của trẻ con cho đến người lớn đều ngứa ngáy rất khó chịu, nước này để khoảng vài ngày thì có màu vàng đục. Rất mong xí nghiệp cấp thoát nước sớm khắc phục, đảm bảo cuộc sống người dân” - ông Bốn bày tỏ.

Được biết, Xí nghiệp nước sạch ở Duy Xuyên có công suất 3.000 m3/ngày đêm. Theo đó, trạm bơm cấp I sẽ bơm nước từ sông Thu Bồn đoạn qua Cầu Đen về bể trộn, trước khi vào bể trộn nước được châm hóa chất nâng pH (nếu cần) và hóa chất keo tụ (phèn) và hóa chất trợ keo tụ (polymer) rồi tiếp tục qua bể lắng trong có tầng cặn lơ lửng.

Nước sau bể lắng tiếp tục qua bể lọc rồi được đưa vào bể chứa và được khử trùng bằng clo. Trạm bơm cấp II sẽ bơm nước từ bể chứa vào mạng phân phối.

Nguyên nhân của tình trạng nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt kéo dài là thời tiết nắng nóng dẫn đến nguồn nước ở thượng nguồn bị khô hạn không đủ lưu lượng để đẩy thủy triều trở xuống. Trong khi đó, nước sông Thu Bồn đã nhiễm mặn liên tục dâng cao nên nhà máy nước ở huyện Duy Xuyên bị nhiễm mặn cục bộ. Hiện công ty khai thác nước đang đắp đập ở Cầu Đen (Duy Xuyên) để chống hạn nhằm hạn chế xâm nhập mặn vào đường dẫn nước ngọt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Huyện Duy Xuyên nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt do nước sông nhiễm mặn