Thiếu nước sinh hoạt ở vùng núi tỉnh Quảng Nam: Cần giải pháp hữu hiệu về chính sách, quy hoạch và đầu tư

Thanh Hải|25/06/2022 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 24/6, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phối hợp với UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam” tại Hội trường UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nhằm tìm ra các giải pháp quản lý, sử dụng, khai thác nước sạch theo phương thức tổng hợp và toàn diện, phù hợp với vùng miền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch.

Thực trạng suy kiệt nguồn nước tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng thể hiện rõ nét, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền núi không chỉ mùa nắng hạn mà ngay cả khi mưa lũ.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ kinh phí, huyện đã đầu tư xây dựng trên 85 công trình nước sinh hoạt quy mô nhỏ (hệ thống cấp nước sinh hoạt tự chảy), trên 55 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho 920 ha ruộng lúa nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt tại một số xã trên địa bàn huyện, nhất là vào thời điểm nắng, nóng (thường xảy ra vào tháng 4, tháng 6 hàng năm), gây khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

nuoc-sach-vung-nui-quang-nam.jpg
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Ông Lê Hoàng Linh thông tin thêm, huyện Tây Giang có các con sông như sông Bung, sông A Vương. Tuy nhiên, hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn, mặc dù huyện đã được đầu tư các công trình cấp nước nhưng nước sinh hoạt trên địa bàn vẫn thiếu hụt 15-20%, đặc biệt trong các tháng 4, tháng 5, tháng 6. Thời gian tới, hiện tượng thiếu nước cục bộ trên địa bàn huyện được dự báo là khoảng 25-30%, điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân .

Nói về những tác động của BĐKH đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ông Phạm Quang Đông - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết, trước thực trạng biến đổi khí hậu thì cần có kế hoạch điều tiết nguồn nước, tập trung xây dựng chứa nước đáp ứng nhu cầu người dân sử dụng nước sạch.

Về cơ chế tỉnh Quảng Nam đã có Nghị quyết 03 về hỗ trợ đầu tư cấp nước sạch nông thôn. Cùng với đó, Tây Giang là huyện miền núi cũng đã được đầu tư xây dựng. Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 60 công trình, các công trình này giao cho thôn, xã quản lý nên hiệu quả chưa được như mong muốn.

Có địa hình tương đồng với huyện Tây Giang, huyện Đông Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết cực đoan, ông Coor Le - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Giang cho biết, Đông Giang và Tây Giang là 2 huyện miền núi, thời gian vừa qua khí hậu thất thường, xảy ra lũ ống, lũ quét ảnh hưởng đến đời sống bà con và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có liên quan đến tình hình sử dụng nước sinh hoạt của bà con.

Cần giải pháp hữu hiệu về chính sách, quy hoạch và đầu tư

Sự phân bố nguồn nước không đồng đều trên cả nước đã dẫn đến tình trạng thiếu nước theo mùa ở nhiều nơi. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các huyện miền núi, đầu tiên cần rà soát lại công tác quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch cụm dân cư, quy hoạch phát triển ngành nghề phù hợp để người dân tiếp cận nguồn nước và có nguồn nước bền vững.

Chính sách đã có, triển khai phải giao quyền trách nhiệm ở địa phương cấp huyện, xã và những người trực tiếp thực hiện.
Và vấn đề sau khi được Nhà nước cũng như việc được tư nhân đầu tư, nó còn vấn đề việc quản lý làm sao cho bền vững cũng là bài toán, việc giao cho xã có thể nhận thấy năng lực quản lý cũng còn nhiều bất cập, thiếu nguồn lực, huyện đã có chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên, tuy nhiên về vai trò trách nhiệm của người quản lý trực tiếp cần phân cấp cụ thể hơn để quản lý vận hành hiệu quả hơn.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, theo ông Phạm Quang Đông - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã thực hiện một số giải pháp công trình và giữ rừng để bảo vệ nguồn nước ngầm. Tỉnh Quảng Nam có cơ chế xây dựng nghị quyết 03 và đã triển khai. Việc thu hút đầu tư, doanh nghiệp chưa mặn mà, phải có cơ chế riêng để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền người dân không chặt phá rừng và tiếp tục trồng rừng.

nuoc-sach-vung-nui-quang-nam-2.jpg
Hiện trạng một số công trình nước sạch tại Tây Giang bị xuống cấp

Chia sẻ về giải pháp địa phương mình đã triển khai, ông Bhlinh Mia - Bí thư huyện ủy Tây Giang cho biết: Để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây nắng nóng và kéo dài hiện nay, huyện Tây Giang ngay từ đầu năm đã rà soát giám sát các công trình cấp nước để có phương án phòng tránh thiếu nước sinh hoạt cho người dân trong mùa nắng nóng.
Có 2 giải pháp trọng tâm là giải pháp công trình và phi công trình.
Trong đó, giải pháp phi công trình, chúng tôi tập trung vào công tác thông tin, tuyền truyền về tác động của biến đổi khí hậu để có giải pháp, phương án hiệu quả, từ đó phát huy vai trò của địa phương trong việc đảm bảo nguồn nước cho người dân phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Kiện toàn các tổ đội trong việc vận hành các công trình cấp nước, khơi thông dòng chảy nhằm đảm bảo nguồn nước, cung cấp nước hiệu quả cho người dân

Vận hành đồng bộ các biện pháp, tuyên truyền tiết kiệm nước đến từng người dân, cộng đồng.

Huyện đã tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng các công trình chứa nước. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ thông qua các chương trình xây dựng các công trình cấp nước cho người dân. Thực hiện các biện pháp căn cơ, tập trung các nguồn vốn, đó là biện pháp ưu tiên trong phòng tránh hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cho người dân từ nguồn vốn của Chính phủ, của tỉnh Quảng Nam…

Trong khi đó, huyện Đông Giang lại chú trọng giải pháp giữ rừng để giữ nước. Ông Coor Le - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Giang cho biết: Đông Giang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân, tuyên truyền công tác quản lý các công trình nước sạch, tuyên truyền vai trò của nước đầu nguồn. Bên cạnh đó là chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ trên đầu nguồn, nghiên cứu cây trồng giữ nước đầu nguồn. Tuyên truyền đến bà con việc giữ rừng, vai trò của rừng với các huyện miền núi, ngoài việc điều hòa khí hậu còn có vai trò giữ nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu nước sinh hoạt ở vùng núi tỉnh Quảng Nam: Cần giải pháp hữu hiệu về chính sách, quy hoạch và đầu tư