Emagazines

Bổ cập nước sông Hồng “cứu” sông Tô Lịch: Góc nhìn từ chuyên gia

Thái Bình 24/01/2025 11:55

Sông Tô Lịch – Biểu tượng xanh một thời của Thủ Đô Hà Nội – nay đã trở thành một trong những tuyến sông ô nhiễm nặng nề nhất. Nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước và cảnh quan đô thị, TP Hà Nội đang gấp rút triển khai dự án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Song, theo các chuyên gia, đối với bất cứ dự án nào trước khi triển khai, các đơn vị chức năng cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng không nên vội vàng.

s2.jpg

Hiện nay, sông Tô Lịch đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nước sông đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Kết quả quan trắc môi trường cho thấy mức độ oxy hòa tan (DO) trong nước thường xuyên duy trì ở ngưỡng 0-1 mg/l, thấp hơn rất nhiều so với mức tối thiểu cần thiết cho sự sống của sinh vật thủy sinh (4-6 mg/l). Nồng độ các chất ô nhiễm như amoniac (NH3), nitrat (NO3-), và các chất hữu cơ cao vượt xa tiêu chuẩn cho phép, phản ánh tình trạng ô nhiễm hữu cơ và hóa học trầm trọng.

Mỗi ngày, sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000 - 200.000 m³ nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý từ các khu dân cư, cơ sở kinh doanh, và làng nghề. Đặc biệt, tại các điểm thoát nước chính như cống Kim Giang, cống Hoàng Quốc Việt, lượng lớn chất thải rắn và nước thải đổ thẳng xuống sông, không qua bất kỳ hệ thống lọc hoặc xử lý nào. Lòng sông hiện đang tích tụ một lượng lớn bùn lắng chứa kim loại nặng, chất hữu cơ độc hại, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển.

s3.jpg
Hiện nay, sông Tô Lịch đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng

Bên cạnh đó, các dự án xử lý ô nhiễm trước đây như thí điểm làm sạch bằng công nghệ nano Nhật Bản hay lắp đặt các máy sục khí vẫn chưa đạt được kết quả lâu dài do thiếu đồng bộ và không giải quyết tận gốc vấn đề nguồn thải.

Cần xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi triển khai

Để "hồi sinh" dòng sông này, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất chi 550 tỷ đồng dẫn nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch. Trước đó thành phố cũng dự kiến xây dựng phương án dẫn nước về Hồ Tây và bổ cấp nước vào sông Tô Lịch qua hệ thống kênh có sẵn tại cửa xả tràn ở hồ.

Tuy nhiên, trước đó, đã có khoảng 30.000 tỷ đồng đầu tư các dự án cũng như nhiều phương án làm làm sạch sông Tô Lịch đã được đưa ra trong thời gian qua, đến nay chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều ý kiến quan ngại, dự án trên có thể giúp sông Tô Lịch “sạch” ô nhiễm?

Trao đổi với PV Moitruong.net.vn về chủ trương này, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay: “Việc bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp tình thế”.

green-and-white-modern-sustainable-business-winning-with-green-strategies-presentation-1-.jpg

Theo PGS.TS Bùi Thị An, việc xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp tình thế, có thể thau rửa được sông Tô Lịch và thích hợp trong giai đoạn này. Để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch, giải pháp căn cơ nhất vẫn là thành phố Hà Nội phải hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom nước thải hai bên bờ sông bảo đảm đồng bộ, thực chất, tránh việc để nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông. Đồng thời cần phải nạo vét và dùng cơ học kết hợp. Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là nhiệm vụ cấp bách, nhằm triệt tiêu nguồn nước thải chảy vào hệ thống sông Tô Lịch. Sau đó, triển khai các biện pháp công trình khác bổ cập nước sạch, tạo dòng chảy cho dòng sông.

Với quan điểm của mình, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết: Việc Hà Nội chọn phương án bơm từ nước sông Hồng để tạo dòng chảy là một trong những biện pháp cần thiết để tạo dòng chảy môi trường, làm sạch sông Tô Lịch. Tuy nhiên, phương án bổ cập như thế nào thì cũng cần phải xem xét và nghiên cứu kỹ. Bởi khi bổ cập nước vào thì chúng ta cần phải chú ý đến những tác động đến hệ sinh thái dòng sông. Thứ nhất đó là phù sa. Thứ hai đó là trước khi bổ cập thì việc nạo vét dòng sông được thực hiện như thế nào? Thứ ba là, khi bơm nước vào sông Tô Lịch thì có bơm liên tục hay không?

bac-tung.jpg

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết, việc làm sạch sông Tô Lịch bằng việc bổ cập nước cũng rất tốt. Tuy nhiên khi triển khai cũng cần nghiên cứu sao cho chi phí hợp lý nhất.

Hiện Hà Nội đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải từ các nơi vốn đổ vào sông Tô Lịch thì giờ đi theo đường ống về nhà máy xử lý nước thải, sau đó khi xử lý xong đạt yêu cầu sẽ cho xả lại sông Tô Lịch, do đó sông Tô Lịch sẽ không phải là dòng sông chết mà có dòng chảy, có trao đổi oxy thì sẽ tốt lên.

Hai bộ đề nghị Hà Nội làm rõ nhiều vấn đề

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc bổ cập nước sông Hồng sang sông Tô Lịch là rất cần thiết và cấp bách.

Nhưng giải pháp này chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông, tạo cảnh quan, nâng cao giá trị về kinh tế, môi trường, sinh thái, văn hóa, lịch sử gắn liền với dòng sông Tô Lịch.

to-lich-sach-1-15628457865331754507235.jpg
Sông Tô Lịch không chỉ là một dòng sông, mà còn là biểu tượng của văn hóa và lịch sử Hà Nội, cần được bảo vệ và khôi phục một cách nghiêm túc và dài hạn

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng đề xuất đầu tư xây dựng trạm bơm trực tiếp từ sông Hồng bằng hệ thống đường ống áp lực với lưu lượng 3 - 5m3/s và 3 đập dâng trên sông Tô Lịch tại các khu vực cống Mọc, cầu Dậu và trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu để bổ cập dòng chảy trên sông Tô Lịch là hết sức cần thiết, cấp bách, thuộc danh mục dự án được nhà nước khuyến khích đầu tư.

Tuy nhiên, phương án như đề xuất của Hà Nội mới chỉ bổ cập bằng lượng nước thải được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý Hà Nội cần rà soát bổ sung đánh giá đến nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng tại cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối, đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp.

Liên quan tới chủ trương bổ cập nước sông Hồng, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát bổ sung các nội dung về quy hoạch, phương án bổ cập nguồn nước, quy mô công suất trạm bơm, vị trí đặt trạm bơm, tuyến ống truyền tải nước, phương án vận hành khai thác.

Về quy hoạch, theo Bộ Xây dựng cần làm rõ sự phù hợp của phương án đề xuất với quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt và các quy hoạch có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn vị trí đặt trạm bơm dưới chân cầu Nhật Tân và việc vận hành trạm bơm bổ cập nước chủ yếu thực hiện vào mùa nước kiệt thì có ảnh hưởng như thế nào đến các công trình lân cận, đặc biệt là cầu Nhật Tân.

Về tuyến ống truyền tải nước có đường kính D1200 chạy dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công, khu vực này khá nhiều công trình hạ tầng nên khả năng tuyến ống sẽ phải thiết kế đi sâu để tránh xung đột với công trình hạ tầng hiện trạng khác.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị xem xét đến vật liệu ống đáp ứng điều kiện thi công, khả năng chịu tải và ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.

Có thể thấy, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch chỉ nên được coi là giải pháp hỗ trợ tạm thời. Để “cứu” sông Tô Lịch một cách bền vững, cần triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nước thải, cải tạo môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước. Sông Tô Lịch không chỉ là một dòng sông, mà còn là biểu tượng của văn hóa và lịch sử Hà Nội, cần được bảo vệ và khôi phục một cách nghiêm túc và dài hạn.

Dự án cấp nước bổ cập từ sông Hồng vào sông Tô Lịch dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng, sử dụng ngân sách TP. UBND TP Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9/2025. Đồng thời, TP đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ để bảo đảm tiến độ và mục tiêu của dự án. Sông Tô Lịch từng là một chi lưu quan trọng của sông Hồng, gắn bó sâu sắc với lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và gián đoạn nguồn nước bổ cập đã khiến chất lượng nước sông suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, sông chủ yếu tiếp nhận nước từ Hồ Tây, nước mưa và nước thải.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bổ cập nước sông Hồng “cứu” sông Tô Lịch: Góc nhìn từ chuyên gia
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.