Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm đối sách giữ vững tăng trưởng kinh tế

Minh Anh (t/h)|07/02/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT, phải xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho công tác điều hành, can thiệp chính sách…

Hôm 5/2, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị và phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm đường hô hấp cấp tới tăng trưởng kinh tế.

Tìm lời giải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Trên cơ sở dữ liệu của tháng 1 để có những tính toán dự kiến mức độ tác động của dịch đối với tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tổng hợp được, tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng. Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, nguy cơ chúng ta bị giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09%. Tất nhiên đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết về các tác động trực tiếp của dịch bệnh, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may. Ngoài ra, lượng khách quốc tế giảm mạnh, trong đó, khách Trung Quốc không được cấp visa đến Việt Nam trong thời gian có dịch. Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất do thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn… Từ những tác động này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng để phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời tìm kiếm thị trường mới, có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp để yên tâm sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ ngành tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội theo kịch bản mới, tận dụng nền tảng của năm 2019 để hoàn thành các mục tiêu năm 2020, đặc biệt là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nhắc lại dù có tác động từ dịch nhưng không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà coi đây là nhiệm vụ để thử thách bản lĩnh, sự quyết tâm, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ ngành không được sơ sẩy với những mục tiêu đã đề ra, trong đó có mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỉ USD.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm đối sách giữ vững tăng trưởng kinh tế