Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp Đoàn công tác của Hiệp hội trắc địa thế giới

Theo Monre|11/01/2018 23:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tiếp xã giao ông Mikael Lilje, Phó Chủ tịch Hiệp hội trắc địa thế giới (FIG)

(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 11/1, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã có buổi tiếp xã giao ông Mikael Lilje, Phó Chủ tịch Hiệp hội trắc địa thế giới (FIG). Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về công tác chuẩn bị cho Tuần lễ làm việc của Hiệp hội Trắc địa thế giới năm 2019 (FIG Working Week 2019).


Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tiếp xã giao ông Mikael Lilje, Phó Chủ tịch Hiệp hội trắc địa thế giới (FIG)

Tham dự buổi tiếp có bà Louise Friis – Hansen, Giám đốc Văn phòng FIG. Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam, Văn phòng Bộ và có đại diện lãnh đạo Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam.
Mục đích của chuyến công tác của Đoàn FIG lần này là nhằm thống nhất với Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam về những vấn đề liên quan đến chủ đề của FIG Working Week 2019, kinh phí, cơ sở vật chất của các địa điểm tổ chức các sự kiện và gặp gỡ với Ban Tổ chức địa phương cùng các đơn vị có liên quan để dần hình thành các chủ đề cho các phiên họp toàn thể và các phiên họp theo Tiểu ban.

Cảm ơn Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã dành thời gian tiếp Đoàn, ông Mikael Lilje chia sẻ, Hiệp hội Trắc địa Thế giới (FIG) trước đây hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học Trái Đất bằng kỹ thuật địa vật lý và trắc địa, đo đạc bản đồ. Hiện nay, FIG hoạt động thêm cả lĩnh vực đất đai và đô thị thông minh. FIG rất mong muốn quan hệ hợp tác lâu dài với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời mong muốn Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ủng hộ chương trình Tuần lễ FIG Working Week 2019.

Toàn cảnh buổi tiếp

Chào mừng Đoàn công tác của Hiệp hội Trắc địa Thế giới đến Việt Nam và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của Hiệp hội đối với Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng trong thời gian qua.

Thứ trưởng khẳng định Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn ủng hộ việc tổ chức FIG Working Week 2019 tại Việt Nam với những ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc tổ chức FIG Working Week 2019 mang lại. Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam có ý nghĩa to lớn không chỉ với mục đích nhằm thúc đẩy và tăng cường hội nhập quốc tế cho những người đang làm công tác trắc địa, bản đồ, viễn thám và quản lý đất đai Việt Nam mà còn là điều kiện cho các nhà trắc địa tại Việt Nam tiếp xúc với các nhà trắc địa trên thế giới để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Hai bên chụp ảnh lưu niệm

Trao đổi với đoàn công tác, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, để chuẩn bị cho FIG Working Week 2019, từ tháng 7 năm 2017, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan thuộc Bộ chuẩn bị cho chương trình. Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Đề án tổ chức Hội nghị FIG Working Week 2019; chuẩn bị các thủ tục xin phép tổ chức Hội nghị; thành lập Ban Tổ chức địa phương: Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam; tổ chức Mạng lưới các nhà Trắc địa trẻ Việt Nam…

Đặc biệt, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam và Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Trắc địa Bản đồ. Hội nghị sẽ là tiền đề quan trọng nhằm tuyển chọn các báo cáo tiêu biểu của Việt Nam để trình bày tại FIG Working Week 2019.

Ngoài ra, Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam đã cử đoàn đại biểu tham dự FIG Working Week 2017 tại Phần Lan và đang chuẩn bị cử đoàn tham gia FIG Congress 2018 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Với sự nỗ lực chuẩn bị chu đáo từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn ông Mikael Lilje với vai trò là Phó Chủ tịch FIG sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công FIG Working Week 2019 tại Hà Nội; đồng thời, là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa FIG với các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày càng phát triển hơn nữa.

Hiệp hội Trắc địa thế giới (FIG) được thành lập vào năm 1878, là tổ chức quốc tế lớn nhất của các nhà trắc địa, bản đồ, viễn thám, quản lý đất đai trên thế giới với 105 hội viên của 91 nước trên thế giới. Sứ mệnh của FIG là hỗ trợ các hiệp hội thành viên và những nhà trắc địa bản đồ nhằm triển khai nghề nghiệp với cách thức hiện đại và bền vững.

Hàng năm, FIG đều tổ chức các hội thảo khoa học (hội thảo khu vực, hội thảo quốc tế và đại hội) với các chủ đề khác nhau, phù hợp với tình hình phát triển chung của thế giới. Các hội thảo khoa học FIG đều có chất lượng cao với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín từ các trường đại học, các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT).

Ngoài Đại hội FIG tổ chức 4 năm một lần, hàng năm FIG tổ chức Hội nghị FIG Working Week luân phiên tại các châu lục theo kết quả lựa chọn qua tài liệu đấu thầu và bỏ phiếu tại Phiên họp toàn thể của Đại hội FIG hoặc của Hội nghị FIG Working Week.

Việt Nam, đại diện là Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam (VGCR), đã được công nhận là thành viên FIG quốc tế từ năm 1992. Với mục đích thúc đẩy và tăng cường hội nhập quốc tế cho những người đang làm công tác trắc địa, bản đồ, viễn thám và quản lý đất đai của Việt Nam, VGCR đã hết sức cố gắng để được tổ chức Hội nghị FIG Working Week tại Việt Nam. Trong Phiên họp toàn thể của FIG Working Week 2015 tổ chức tại Bulgaria vào tháng 5 năm 2015, Việt Nam đã vượt qua các nước Thụy Sỹ, Ai len và Kênya để trở thành nước chủ nhà tổ chức Hội nghị FIG Working Week 2019.

Theo Monre

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp Đoàn công tác của Hiệp hội trắc địa thế giới