Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã có Công văn chỉ đạo các huyện ủy, sở, ban ngành về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nội dung Công văn nêu rõ:
Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong các văn bản của Trung ương, của tỉnh về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Kết luận số 81-KL/TW đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Cùng với đó, xây dựng và lồng ghép các định hướng về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào báo cáo chính trị của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thực hiện tuyên truyền, giáo dục, phải tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái; hướng đến đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa các-bon.
Ban Thường vụ Tỉnh yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp. Coi thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là thách thức; đồng thời, cũng là cơ hội để phát triển bền vững, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất.
Ngoài ra, cần nghiên cứu thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng; tập trung nguồn lực giải quyết các nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm các hệ sinh thái.
Thúc đẩy phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực, ở từng cấp độ. Từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chuyển mạch sang phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Có chính sách thu hút các dự án đầu tư xanh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên.
Thường xuyên cập nhật kịch bản, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động thực hiện giải pháp để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụp lún đất, chú trọng công tác di dời, tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao.
Chủ động dự trữ nguồn lực cho các hoạt động khắc phục và phát triển trở lại trạng thái bình thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của từng ngành, lĩnh vực, nhất là xây dựng, giao thông, nông nghiệp; thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường các-bon.
Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên biển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm đồng bộ, liên thông đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.
Kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản. Xây dựng hệ thống thông tin, chuyển đổi số trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, quy hoạch các khu bảo tồn biển, phân kỳ đầu tư thực hiện đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng cụm đảo Hòn Khoai.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiện toàn, củng cố bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường; rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Triển khai đầy đủ, toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về huy động nguồn lực, đổi mới các công cụ kinh tế, tiếp cận thị trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hoàn thiện các quy hoạch, phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật, phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; nâng cao vai trò, hiệu quả công tác phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ban Thường vụ Tỉnh cũng yêu cầu tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải tại các đô thị, cụm công nghiệp, khu dân cư...; cải tạo, phục hồi các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm. Xây dựng hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phát triển ngành công nghiệp tái chế; đẩy mạnh xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa.
Đồng thời, nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Bảo đảm cung cấp nước sạch cho Nhân dân; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, rạn san hô; mở rộng, tăng số lượng, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; đồng thời, có biện pháp quản lý hiệu quả đa dạng sinh học vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên. Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư.
Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 56-KL/TW và Kết luận số 81-KL/TW đến các cấp ủy, đảng viên và Nhân dân.