Trong năm 2021, thiên tai đã làm thiệt hại và ảnh hưởng hơn 7.500 ha cây trồng của người dân, 153 vị trí sạt lở ven sông, hơn 277 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng… Theo đó, chỉ riêng nguồn kinh phí từ Quỹ PCTT tỉnh Cà Mau đã chi hơn 15,6 tỷ đồng để hỗ trợ người dân trong việc khoanh ô, bơm tát nước thu hoạch lúa, thực hiện công trình khắc phục sạt lở đất, hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại do thiên tai, khôi phục lại sản xuất…
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết, trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế, khó khăn trong việc bố trí kinh phí cho công tác phòng ngừa, ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai thì Quỹ PCTT là cứu cánh kịp thời để giảm đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là đối với những công trình khẩn cấp.
Với ý nghĩa vô cùng to lớn ấy, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2014/NÐ-CP quy định về thành lập Quỹ PCTT, tiếp tục đến năm 2021 là Nghị định số 78/2021/NÐ-CP. Trên địa bàn tỉnh, Quỹ PCTT được thành lập từ năm 2015, hoàn thiện bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động và bắt đầu tổ chức thực hiện thu quỹ từ năm 2017. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định 357/QÐ-UBND kiện toàn Quỹ PCTT trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, tiến tới thành lập Hội đồng Quản lý, Ban Kiểm soát và Cơ quan quản lý Quỹ PCTT.
Mặc dù đây là nguồn quỹ có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhưng việc triển khai thu thời gian qua gặp không ít khó khăn. Cụ thể trong năm 2021, Quỹ PCTT chỉ thu được trên 11 tỷ đồng, đạt hơn 50% chỉ tiêu kế hoạch. Ông Hoai nhận định, việc triển khai thu Quỹ PCTT trên địa bàn tỉnh chưa đạt như kế hoạch có rất nhiều nguyên nhân. Một phần do bà con còn khó khăn, một phần do ý thức chấp hành việc nộp quỹ của các doanh nghiệp chưa cao, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Ðảng và chính quyền.
Hiện tại, tỉnh Cà Mau đang triển khai thu quỹ năm 2022 với chỉ tiêu thu đợt 1 gần 3,5 tỷ đồng. Theo đó, hết tháng 8 vừa qua chỉ thu được khoảng 630 triệu đồng, trong khi đó nguồn kinh phí chi cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai khoảng 2,7 tỷ đồng. Nhu cầu chi cho các hoạt động phòng, chống cũng như khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh vô cùng lớn. Do đó, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách dự phòng địa phương thì sự chung tay góp sức của người dân và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
Ðiều 12, Nghị định 78 của Chính phủ quy định về nguồn tài chính của Quỹ PCTT. Cụ thể, mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn 1 năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có. Theo báo cáo tài chính lập ngày 31/12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan thuế, mức đóng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức. Ðóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp cho Quỹ PCTT cấp tỉnh được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động, phải đóng góp hàng năm.
Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2022, thiên tai, thời tiết càng có chiều hướng diễn biến phức tạp và khó lường hơn. Do đó, nguồn kinh phí cần để chi cho các hoạt động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai cũng như khắc phục hậu quả thiên tai càng trở nên cần thiết. Nhu cầu lớn, ngân sách lại khó khăn, thì sự góp sức của người dân, doanh nghiệp là nguồn lực vô cùng quan trọng để công tác ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai được chủ động, kịp thời./.