Cà Mau: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Minh Hoa|29/03/2021 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Cà Mau vừa tổ chức công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội tiêu biểu của tỉnh Cà Mau, là di sản văn hóa mang đậm nét truyền thống, phong tục tập quán của cư dân vùng biển, là sản phẩm văn hóa được kết tinh qua nhiều thế hệ.

Với Cà Mau, Bộ VH-TT&DL đưa lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Nhà nước đối với lễ hội truyền thống này. Góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước, quốc tế biết nhiều hơn về nét đẹp văn hóa của vùng đất ven biển Cà Mau.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội này có từ năm 1925 bắt nguồn từ sự kiện ngư dân phát hiện xác một con cá voi (ngư dân hay gọi là cá ông) trôi dạt vào bờ. Theo truyền thuyết xa xưa, loại cá này là cứu tinh cho các tàu, thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển khơi, vì vậy người dân rất tôn kính và biết ơn loài cá này, hay gọi là “ông”; và “cá ông” tại Sông Đốc được gọi là Nam Hải Đại Tướng quân.

Hằng năm từ ngày 14 -16/2 âm lịch, người dân khắp nơi tụ hội về TT. Sông Đốc, H.Trần Văn Thời để cúng, viếng và tham gia các hoạt động của lễ hội; các hoạt động diễn ra long trọng, trang nghiêm, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với Nam Hải Tướng quân.

Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc có nhiều nghi thức rất trang trọng, mang đậm nét văn hóa dân gian xưa, như: trước giờ ra biển nghinh ông buổi lễ chính tại chánh điện có đầy đủ các cung phi (đa số là phụ nữ cao tuổi), cung nữ (các thiếu nữ) 12 nữ học trò lễ, 2 nữ cung hầu, 1 vị tướng quân trong tư thế oai phong cùng hàng chục quân sỹ đứng hầu tay giương cao các ngọn cờ nước, những lá cờ phướn có ghi dòng chữ “Nam Hải Đại Tướng quân” cùng hàng ngàn người chuẩn bị rước kiệu trong tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng của đội nhạc lễ.

Nghi thức cúng tế thể hiện rõ ước nguyện cầu mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt bội thu, cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà yên ấm. Ngoài nghi thức tế lễ, người dân địa phương còn tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể thao rất sôi nổi.

Minh Hoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia