Các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6

An Nhiên (T/h)|09/11/2019 13:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để phòng tránh gió bão và mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6, các tỉnh thành  khu vực miền Trung đã thực hiện các biện pháp đối phó như kêu gọi tàu thuyền trú ẩn, sơ tán dân đến vùng an toàn.

Quảng Ngãi: Bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa

Trước diễn biến phức tạp và khả năng bão đổ bộ vào Quảng Ngãi, sáng 9-11, công tác ứng phó với cơn bão số 6 được nhân dân và chính quyền địa phương Quảng Ngãi triển khai cấp tốc.

Các xã ven biển chủ động huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa bớt cây cối để ứng phó với bão.

Tại huyện Đức Phổ (huyện phía nam tỉnh Quảng Ngãi, giáp với Bình Định có nguy cơ hứng bão), chính quyền huyện đã chỉ đạo các phương án ứng phó, giúp dân chặt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa.

Theo kế hoạch, công việc sẽ phải hoàn thành vào lúc 18h chiều cùng ngày.

Bộ đội biên phòng, dân quân giúp dân chằng chống nhà cửa – Ảnh: Trần Mai

Tại xã Phổ Quang, hàng trăm cán bộ chiến sĩ các lực lượng chia nhau xúc cát, vận chuyển và leo lên mái nhà gia cố, chằng chống giúp dân.

Ông Võ Văn Xinh – chủ tịch UBND xã Phổ Quang – cho biết sáng nay các lực lượng đã đi kiểm tra các nhà có khả năng ngã đổ trong bão số 6 và dồn cát, chằng chống nhà cửa giúp dân ứng phó bão.

Trung úy Quang Văn Hợi – Trạm kiểm soát biên phòng Mỹ Á – cho biết thêm tất cả cán bộ chiến sĩ đơn vị đều ra quân giúp dân gia cố nhà cửa, đốn tỉa cành cây. Đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành.

Tại huyện Mộ Đức, nơi vừa thiệt hại nặng nề sau bão số 5 với hơn 340 nhà dân bị tốc mái, sụp đổ, địa phương cũng đang huy động toàn bộ lực lượng ra quân giúp dân.

Trung tá Trần Huy Nghĩa – chính trị viên đồn Biên phòng Đức Minh, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi – cho biết: “Rút kinh nghiệm con bão số 5 vừa qua, đồn đã cử cán bộ chiến sĩ tham gia giúp dân chằng chống nhà cửa. Các nhà yếu đều được bỏ bao cát lên để gia cố”.

Ông Võ Văn Xinh – chủ tịch UBND xã Phổ Quang – cho biết sáng nay các lực lượng đã đi kiểm tra các nhà có khả năng ngã đổ trong bão số 6 và dồn cát, chằng chống nhà cửa giúp dân ứng phó bão.

Trung úy Quang Văn Hợi – Trạm kiểm soát biên phòng Mỹ Á – cho biết thêm tất cả cán bộ chiến sĩ đơn vị đều ra quân giúp dân gia cố nhà cửa, đốn tỉa cành cây. Đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành.

Tại huyện Mộ Đức, nơi vừa thiệt hại nặng nề sau bão số 5 với hơn 340 nhà dân bị tốc mái, sụp đổ, địa phương cũng đang huy động toàn bộ lực lượng ra quân giúp dân.

Trung tá Trần Huy Nghĩa – chính trị viên đồn Biên phòng Đức Minh, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi – cho biết: “Rút kinh nghiệm con bão số 5 vừa qua, đồn đã cử cán bộ chiến sĩ tham gia giúp dân chằng chống nhà cửa. Các nhà yếu đều được bỏ bao cát lên để gia cố”.

Bình Định: Ám ảnh bão số 5 chưa qua, bão số 6 đã ập tới

Chưa gượng dậy sau bão số 5, người dân Bình Định lại đang cuống cuồng lo ứng phó với bão số 6 nhiều khả năng đổ thẳng vào địa phương này. Dự báo, sức tàn phá của bão số 6 sẽ mạnh hơn rất nhiều so với bão số 5, khiến người dân bất an.

Ngày 8/11, để ứng phó với bão số 6 đang sắp đổ bộ, tỉnh Bình Định đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, người dân chủ động chèn chống nhà cửa… Tỉnh này cũng yêu cầu di dời hơn 1.300 hộ dân ven biển, vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, đồng thời ra lệnh cấm biển vào ngày mai (9/11).

Người dân đang cho cát vào bao tải chèn chống nhà cửa ứng phó với bão số 6

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT – TKCN các huyện, thị xã, thành phố dừng tất cả các cuộc họp để giành thời gian triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6. Từ ngày 9/11, tất cả các cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 giờ.

Ông Dũng yêu cầu, các địa phương củng cố các đội xung kích, tập trung sơ tán các hộ dân sinh sống ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn, phấn đầu hoàn thành công tác này trước 12 giờ ngày 10/11.

Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm. Cảng vụ Quy Nhơn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sắp xếp, bố trí khu vực neo đậu tàu cá, tàu hàng an toàn, nhất quyết không để các phương tiện bị trôi neo.

Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra các hồ đập, các công trình xung yếu và triển khai gia cố những điểm bị hư hỏng.

UBND TP Quy Nhơn phải huy động lực lượng gia cố xong đoạn kè biển Nhơn Hải bị bão số 5 làm sập đổ và tổ chức di dời các hộ dân sinh sống sát đoạn kè này đến nơi an toàn.

Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học ngày thứ 2 tới, tùy vào điều kiện thực tế bão lũ, tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Các đơn vị lực lượng vũ trang phải túc trực 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động khi có lệnh. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định theo dõi cập nhật diễn biến bão số 6.

Chiều cùng ngày (8/11), ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 6 tại một số khu vực trong yếu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ông Dũng đặc biệt lưu ý chính quyền TP Quy Nhơn phối hợp với chính quyền xã Nhơn Hải khẩn cấp di dời hơn 100 hộ dân sống dọc kè biển Nhơn Hải bị sóng đánh sập trong bão số 5.

“Lần trước, bão số 5 sóng chỉ cao khoảng 3-5m, lần này dự kiến bão số 6 khi đổ bộ vào Bình Định sóng cao ít nhất 7m, bởi sức gió giật cấp 14-15. Việc đầu tiên là phải khẩn trương di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm dọc bờ kè Nhơn Hải đến nơi an toàn. Chính quyền các cấp cùng với người dân tiếp tục gia cố đoạn kè bị lở, được phần nào tốt phần đó trước khi bão đổ bộ vào”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng yêu cầu Ban quản lý cảng cá Đề Gi bố trí, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn, không để xảy ra tàu bị tuột neo…

Đà Nẵng khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão số 6 ​

Trước những dự báo về mức độ ảnh hưởng của bão số 6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã ban hành thông báo (số 28/TB-PCTT ngày 2/11/2019) và Công văn (số 224/PCTT ngày 6/11/2019) chỉ đạo công tác thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão, sớm thông báo vùng nguy hiểm trên biển, kiểm đếm tàu thuyền, tổ chức quản lý hoạt động tàu thuyền trên biển, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6.

Cụ thể, tính đến sáng 8/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã kịp thời thông báo cho tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, kiểm đếm tàu thuyền trên biển. Hiện Đà Nẵng có 16 tàu với 173 lao động đang hoạt động trên biển (ven biển Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam) và các phương tiện đã nắm được thông tin về bão số 6.

Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các sở, ngành, UBND các quận, huyện cần thực hiện các biện pháp kịp thời để ứng phó với bão. Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tiếp tục thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão số 6 để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tiếp tục tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, sẵn sàng chủ động sơ tán người dân đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông hồ, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý người dân đang sinh sống ven sông Túy Loan và Cu Đê di chuyển đến nơi an toàn; tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu, ngầm tràn nước chảy xiết trên địa bàn; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện tổ chức cứu nạn kịp thời.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố tổ chức chốt chặn ở những vị trí ngập sâu trên các tuyến đường chính; tổ chức sắp xếp các phương tiện giao thông đang đậu đỗ trên Quốc lộ 1A và các tuyến đường chính đảm bảo an toàn và an ninh. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, chủ động cho học sinh trên địa bàn huyện Hòa Vang và các địa phương bị ngập được nghỉ học để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý thải tổ chức trực ban thường xuyên tại các hồ chứa nước, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mực nước các hồ chứa để xử lý kịp thời các sự cố công trình có thể xảy ra; Sở Y tế sẵn sàng các phương án cấp cứu nạn nhân, chuẩn bị đầy đủ số thuốc và hóa chất cần thiết để xử lý môi trường sau thiên tai…

Quảng Nam kêu gọi 21 tàu cá hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn

Chiều 8-11, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã phát thông tin, kêu gọi thuyền trưởng 21 tàu cá, cùng với 544 lao động đang còn hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh trú bão an toàn.

Nhiều tàu thuyền đã vào nơi tránh trú bão. (Ảnh: Quốc Việt)

Theo đó, hiện có sáu tàu hoạt động ở khu vực biển Hoàng Sa, 10 tàu hoạt động ở khu vực biển Trường Sa và năm tàu hoạt động cách bờ biển Quảng Nam từ 5-15 hải lý.

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi nhận được thông tin về bão số 6, các cơ quan chức năng đã thường xuyên thông tin về hướng đi, diễn biến của bão để các tàu chủ động tìm nơi trú tránh an toàn nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

Đối các huyện miền núi, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai phương án “4 tại chỗ” hướng người dân phòng tránh và ứng phó kịp thời khi có lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 6 gây ra…

Phú Yên cấm biển, cho học sinh nghỉ học, di dời dân tránh bão số 6

Các tàu cá của ngư dân Phú Yên neo đậu an toàn tại các cảng cá thành phố Tuy Hòa (Ảnh: Trình Kế)

Chiều 8-11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đã ký lệnh cấm biển. Theo đó, bắt đầu từ 7 giờ ngày 9-11, Chủ tịch UBND các địa phương huyện Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa thông báo cấm không cho các loại tàu thuyền hoạt động khai thác đánh bắt trên biển.

Các cơ quan đơn vị liên quan và các địa phương ven biển triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản trên biển nghiêm túc thực hiện vào nơi tránh trú bão theo quy định, tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu.

UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin về tình hình diễn biến thời tiết để chủ động thông báo cho ngư dân (chủ phương tiện tàu thuyền) hoạt động, hành nghề đánh bắt trên biển trở lại sau bão, có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, an toàn.

Để an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cũng ban hành văn bản yêu cầu các phòng giáo dục đào tạo, các đơn vị trực thuộc cho học sinh nghỉ học ngày 11-11 để phòng tránh bão số 6 an toàn.

Tỉnh Phú Yên có gần 10 nghìn người làm việc trên 91 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển các huyện Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương đã nắm bắt được số điện thoại của tất cả lao động trên các lồng bè, để chủ động yêu cầu di dời kịp thời đến nơi an toàn, vào bờ tránh trú.

Theo ông Nguyễn Siêng, Phó Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Hòa, địa phương này hiện có 162 hộ sản xuất, chăn nuôi gia súc trên các bãi bồi dọc sông Ba. Đây là vùng nguy hiểm khi có lũ đổ về từ thượng nguồn, kết hợp các thủy điện xả lũ. Ông Siêng cho biết thêm, đã cử lực lượng gặp trực tiếp hoặc điện thoại thông báo đến từng hộ dân sản xuất dọc sông Ba, tuyệt đối không được chủ quan trước diễn biến phức tạp của bão số 6. Đồng thời chuẩn bị lực lượng tiến hành cưỡng chế sơ tán, bắt buộc người dân di dời ra khỏi khu vực xung yếu, nguy hiểm.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, tỉnh hiện có 298 tàu cá với 1.745 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển. Trong đó, 242 tàu với hơn 1.500 ngư dân đánh bắt xa bờ, đang tránh trú tại các đảo và hoạt động ở các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, DK1. Tất cả các tàu cá đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão số 6 trên Biển Đông, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc với đất liền.

An Nhiên (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6