Các tỉnh ven biển Nam Bộ: Hết năm 2019 còn tám đợt triều cường

Hoài Thương (T/h)|16/10/2019 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, những tháng còn lại của năm 2019 và đầu năm 2020, ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện tám đợt triều cường,

Theo dự báo, các đợt triều cường xuất hiện vào các thời điểm ngày 15 đến 18 và 26 đến 31/10; ngày 13 – 16 và 25 – 30/11; ngày 12 đến 16 và 25 – 28/12 năm 2019.

ầu năm 2020, triều cường sẽ diễn ra vào khoảng ngày 11 đến 14-1 và ngày 10 đến 14-2. Nhiều khả năng hai đợt triều cường xuất hiện vào khoảng từ ngày 26 đến 31-10 và 25 đến 30-11-2019 sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn đợt triều cường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, nhất là khi có gió mùa đông bắc cường độ mạnh lấn sâu xuống vùng biển phía nam. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao và sạt lở bờ sông tại các tỉnh: An Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ. Do đó, đề nghị chính quyền địa phương cũng như người dân chủ động trong công tác ứng phó.

Triều cường đã xảy ra trên địa bàn TP Thủ Dầu Một và thị xã Thuận An (Bình Dương) làm vỡ, tràn 3 m bờ bao và 105 m bờ rạch; gây ngập khoảng 25,7 ha đất vườn và ngập nhiều tuyến đường giao thông.

Trước tình hình triều cường dâng cao làm ngập nặng khu vực nội đô, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, tỉnh Cần Thơ yêu cầu các địa phương túc trực 24/24 giờ trong những ngày triều cường lên cao nhằm kịp thời ứng cứu nếu sự cố xảy ra.

Chi cục thủy lợi tỉnh Vĩnh Long cho biết, những ngày qua do ảnh hưởng của triều cường hàng nghìn mét bờ bao, đê đập ở địa phương này bị vỡ. Nhiều tuyến giao thông bị ngập nặng, ước thiệt hại hơn ba tỷ đồng.

Tại tỉnh Cà Mau, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển xuất hiện đợt triều cường cao bất thường, gây ngập nhiều tuyến đường và bờ bao vuông tôm. Ðây là đợt triều cường thứ ba kể từ đầu năm đến nay. Ðỉnh triều năm nay cao hơn so với những năm trước 0,3 m. Dự báo những ngày tới, huyện Ngọc Hiển vẫn còn xuất hiện những đợt triều cường dâng cao, mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn. Người dân cần chủ động phòng tránh, bảo vệ tài sản.

Triều cường gây ngập nhiều đường phố tại TP Cần Thơ. Ảnh: Phan Tại

Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, mấy ngày qua liên tục xảy ra mưa lớn, dông lốc làm 25 căn nhà ở hai huyện Phú Tân và Tri Tôn bị sập và tốc mái. Ngoài ra, do mưa lũ và kết hợp triều cường gây ngập úng làm thiệt hại lúa và rau màu vụ thu đông đang sản xuất ngoài đê bao trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên gây thiệt hại 70% đối với 9,6 ha lúa gần ngày thu hoạch, thiệt hại hoàn toàn 12,3 ha rau màu, có 40 căn nhà bị ngập do triều cường. Hiện khu vực này đang có nguy cơ sạt lở tiếp, đe dọa nhiều nhà dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, sau khi quan trắc và đánh giá, cơ quan này xác định toàn tỉnh có 52 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó sáu đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 25 vụ sụt lún sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch thuộc sáu huyện, thị xã, thành phố như An Phú, Tân Châu, Chợ Mới, Châu Phú, Long Xuyên, Thoại Sơn. Tổng chiều dài sạt lở gần 1.600 m, làm mất gần 9.200 m2 đất, ảnh hưởng đến 104 căn nhà. Ước tính thiệt hại do sụt lún sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch khoảng 29,3 tỷ đồng.

Tình trạng sạt lở bờ sông Ðạ Quay (huyện Ðạ Huoai, Lâm Ðồng) ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương khảo sát lưu lượng dòng chảy, đánh giá nguy cơ và mức độ ảnh hưởng của việc sạt lở đất bên sông Ðạ Quay. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác cảnh báo, dự phòng nhằm bảo đảm an toàn và đời sống cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020. Theo đó, sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Ðồng thời, bảo đảm thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Tại tỉnh Yên Bái, đến ngày 1-10, có 33 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc dịch tả lợn châu Phi và công bố hết dịch, trong đó có 9/9 xã thuộc huyện Trạm Tấu. Số xã đang có dịch là 78 xã, trong đó có 23 xã qua 30 ngày tái phát lại thêm lợn mắc dịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 500 con lợn nái và 1.000 lợn thịt trở lên, đến thời điểm này các trang trại, cơ sở vẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – Thủy văn quốc gia, không khí lạnh sẽ có xu hướng mạnh dần và tác động đến khu vực miền bắc nước ta, tập trung trong nửa cuối tháng 10. Cũng trong tháng 10 có khả năng xuất hiện một xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Ðông. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh trong cơn dông.

Do chịu ảnh hưởng của hội tụ gió ở các mực khí quyển trên cao, từ ngày 3 đến 5-10 và khoảng ngày 8 đến 9-10, khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện mưa rào và dông. Tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm 10 đến 30%, trong đó tại Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm 20 đến 50%; riêng Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 25%.

Hoài Thương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các tỉnh ven biển Nam Bộ: Hết năm 2019 còn tám đợt triều cường