Nguyện vọng của dân, Chủ tịch huyện Cẩm Giàng có thấu?
Như đã phản ảnh ở hai bài báo trước, người dân thôn Bình Long, xã Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã cực lực phản đối Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện do United Expert Investments Limited và Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt làm chủ đầu tư, người dân cho rằng nếu dự án được triển khai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường đe dọa tới cuộc sống của họ là rất cao.
Ông Trịnh Ngọc Thành – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cương quyết một mực cho rằng việc nhà máy xử lý rác được đầu tư về huyện là hợp tình hợp lý
Sau rất nhiều lần liên hệ làm việc thì ông Trịnh Ngọc Thành – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cũng bố trí làm việc với PV. Có vẻ vị lãnh đạo này chưa thực sự nắm rõ được nỗi bức xúc của nhân dân đang ở đỉnh điểm và khó có thể nguôi đi được nếu như nhà máy rác này còn được xây dựng ở đây.
Ông Trịnh Ngọc Thành cho biết: “Thực ra thì cũng chỉ có một số người dân tỏ ra lo ngại việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải này sẽ ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, theo tôi, nhân dân không nên quá lo lắng như vậy bởi khi quyết định thực hiện dự án, chính quyền và các ngành chức năng đã xem xét và cân nhắc rất kỹ về vị trí, về công nghệ. Đặc biệt, chính quyền đã yêu cầu nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Việc xác định vị trí xây dựng nhà máy này đã được chúng tôi tính toán, khảo sát rất kỹ. Sau quá trình khảo sát, đã cho ra kết quả như sau: Thứ nhất, nếu dự án được xây dựng sẽ cách khu dân cư gần nhất 700 – 800m. Thứ hai, về khoảng cách đối với trường học, thì cũng đảm bảo, bởi khoảng cách giữa hai công trình này cũng trên dưới 1km. Thứ ba, đối với ý kiến của nhân dân cho rằng vị trí nhà máy được đặt cạnh nghĩa trang nhân dân, về việc này chúng tôi cho rằng khoảng cách an toàn về môi trường đến các công trình khác phải là các công trình có người dân thường xuyên sinh sống hoặc thường xuyên tới tham quan. Đối chiếu với thực tế, nghĩa trang nhân dân không phải là nơi có người dân thường xuyên sinh sống, vì vậy, việc xây dựng nhà máy sẽ không ảnh hưởng tới nghĩa trang nhân dân. Thứ tư, đúng là hiện nay, dự án xây dựng nhà máy được đặt cạnh một con mương. Chính quyền đã yêu cầu nhà đầu tư khi xây dựng nhà máy phải thực hiện và tuân thủ hết sức nghiêm ngặt về mặt công nghệ, về mặt yêu cầu, cần phải có đánh giá tác động môi trường và những giải pháp để khi nhà máy đi vào hoạt động phải đảm bảo tuyệt đối về vấn đề môi trường.”
Từ khi biết trên quê hương mình sẽ được xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, bà con đã tập trung đến UBND xã Lương Điền phản đối Dự án này
Có lẽ ông Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng chưa được tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm người dân thôn Bình Long và các nơi lân cận đổ về trụ sở UBND xã Lương Điền giữa trời mưa rét để bày tỏ sự bức xúc trước việc làm của chính quyền cùng với đó là lòng quyết tâm phản đối dự án đến cùng. Họ sẵn sàng từ bỏ công việc đồng áng, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, chia nhau từng miếng bánh mì để lót dạ cốt chỉ mong nhận được một câu trả lời thỏa đáng từ phía những người vốn được xem là đại diện cho tiếng nói, cho lợi ích của nhân dân.
Nhiều người không biết thông tin về dự án
Khi được hỏi về việc chính quyền đã tổ chức họp lấy ý kiến của người dân về vấn đề thu hồi đất cũng như bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) hay chưa, ông Trịnh Ngọc Thành cho biết, đã tổ chức họp với các hộ dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai hiện hành thì UBND cấp có thẩm quyền phải họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi. Phải có phương án bồi thường GPMB hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 69 Luật này. Như vậy, việc chỉ tổ chức cuộc họp với các hộ dân có đất bị thu hồi của UBND xã là chưa đầy đủ mà theo luật định, cuộc họp phải được tổ chức với sự tham gia của toàn thể các hộ dân của thôn Bình Long.
Đối chiếu Biên bản triển khai thực hiện GPMB dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền ngày 01/12/2018 với quy định của Luật Đất đai hiện hành, chúng tôi còn nhận thấy trong Biên bản này chưa có sự thống kê, tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để lấy thông tin tổ chức đối thoại.
Biên bản đối thoại thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền vào ngày 31/01/2019 do Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cẩm Giàng cung cấp cho PV thậm chí còn để trống phần chữ ký của đại diện các hộ dân thôn Bình Long.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thụ – Một trong những người dân có ý kiến được ghi lại trong Biên bản cho biết: “Thật ra chúng tôi cũng không hề hay biết về việc tổ chức cuộc họp này, chúng tôi không được mời tới tham dự. Tuy nhiên, sau khi biết tin từ một số hộ dân có đất bị thu hồi, chúng tôi đã tới UBND xã và xin được phát biểu ý kiến bởi chúng tôi vô cùng bức xúc và hoang mang khi từ trước tới nay thông tin về dự án mà chúng tôi được biết chỉ bằng con số 0”.
Từ đây có thể thấy rõ sự tắc trách của huyện Cẩm Giàng và xã Lương Điền thuộc tỉnh Hải Dương. Phải chăng vì lợi ích trước mắt mà UBND huyện Cẩm Giàng bất chấp tất cả để có được nguồn vốn đầu tư về huyện. Miếng mồi béo bở này về tay các cấp lãnh đạo huyện, xã còn người dân thì phải gánh chịu hậu quả sau này mãi mãi.
Giáng Hương – Anh Minh