Cảnh báo cháy rừng tập trung ở nhiều khu rừng thuộc 24 huyện
Độ ẩm thấp nhất ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành Bắc Bộ trong 5 ngày đầu tháng 10 đều giảm thấp dưới 55%, thậm chí có ngày Hà Nội chỉ 39%, hay ven biển như Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ 33 - 35%.
Thời tiết hanh khô đã khiến Quảng Ninh liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng. Ngay như đêm 4/10, cháy rừng ở phường Hà Trung và phường Hồng Hà của Tp. Hạ Long. Trước đó ngày 1/10 cháy rừng ở xã đảo Minh Châu, Quảng Ninh.
Còn tại Sơn La, mới đây, một vụ cháy đã thiêu rụi hơn 2 ha rừng thông của người dân ở bản Cửa Rừng, xã Cao Mạ, huyện Thuận Châu, khiến người dân nơi đây không khỏi đau lòng.
Nguyên nhân cháy rừng có thể do người dân đốt nương làm rẫy hoặc do nắng nóng kéo dài. Khi cháy xảy ra, công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn do địa hình đồi núi dốc và thiếu trang thiết bị chuyên dụng.
Dự báo hanh khô sẽ còn kéo dài 3-5 ngày tới, độ ẩm thấp nhất nhiều nơi vẫn dưới 50%. Thời tiết hanh khô, trong khi đó nhiều cây rừng đã bị gãy đổ, bật gốc sau bão số 3 vừa rồi, khiến cho lớp thực bì dưới tán rừng khô nhanh, tạo ra khối lượng vật liệu cháy lớn tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.
Chi cục Kiểm lâm vùng 1 gồm 19 tỉnh thành phía Bắc đã ra văn bản phòng cháy chữa cháy rừng sau bão số 3. Theo Cục Kiểm lâm hiện nay trên cả nước vùng cảnh báo cháy rừng tập trung ở những khu rừng của 24 huyện thuộc thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh. Mức cảnh báo cháy cấp 4 tương ứng với cấp cảnh báo cháy mức nguy hiểm.
Với mức cảnh báo này chỉ cần một sơ xảy nhỏ về lửa là cháy rừng có thể bùng phát. Hanh khô còn kéo dài chính vì vậy nguy cơ cháy rừng còn có thể lan rộng ra nhiều khu rừng khác tại miền Bắc, đặc biệt là tại Sơn La và Lào Cai.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, cháy rừng đã làm 3 người thiệt mạng và gây thiệt hại gần 500 ha rừng. Đặc biệt, tháng 7 và tháng 8 ghi nhận thiệt hại thêm 17 ha. Những vụ cháy chủ yếu xảy ra ở các rừng trồng thông, keo, bạch đàn tái sinh, và địa hình kết hợp với gió khô đã khiến ngọn lửa lan nhanh, gây khó khăn cho công tác dập tắt.
Giải pháp khuyến cáo phòng cháy chữa cháy rừng
Mùa hanh khô của Bắc Bộ sẽ kéo dài khoảng 2 tháng nữa, nguy cơ cháy rừng sẽ còn tăng cao. Vì vậy, Cục Kiểm lâm khuyến cáo bà con tuyệt đối không sử dụng lửa trong rừng và gần rừng.
Người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác và trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng, một số giải pháp đã được đưa ra, bao gồm:
- Chú ý khi dọn thực bì: Vun thành các dải rộng 2-3 m, cách nhau từ 5-6 m và cách xa rừng tối thiểu 8-10 m.
- Thời điểm đốt: Đăng ký thời gian đốt với lực lượng phòng cháy và chính quyền thôn, không đốt vào những ngày có nguy cơ cháy cao (cấp 4, 5); nên đốt vào thời điểm gió nhẹ, trước 9h sáng hoặc sau 4h chiều.
- Thông báo trước khi đốt: Cần báo cho lực lượng phòng cháy và chính quyền thôn, có người canh gác và dập tàn lửa sau khi đốt.
- Không vứt tàn thuốc lá: Người dân không được vứt tàn thuốc bừa bãi khi đi qua các tuyến đường ven rừng.
- Xây dựng đường băng cản lửa: Đây là biện pháp tiết kiệm và hiệu quả cao trong công tác phòng, chống cháy rừng.
- Báo cháy kịp thời: Khi phát hiện cháy, cần báo ngay cho người xung quanh, chủ rừng và cơ quan chức năng để giảm thiểu thiệt hại.
Nâng cao trách nhiệm trong việc phòng cháy rừng không chỉ bảo vệ người và tài sản mà còn giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường. Cháy rừng tạo ra một loạt các chất gây hại như khói, khí CO2, các hợp chất hữu cơ bay hơi, hợp chất hữu cơ không bay hơi (VOCs), kim loại nặng và các hạt nhỏ PM2.5.
Những hạt nhỏ PM2.5 có kích thước nhỏ đến mức có thể thâm nhập sâu vào phổi con người, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Ngoài ra, khí CO2 là một trong các nguyên nhân chính góp phần vào hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, tạo ra các vấn đề môi trường và sức khỏe con người kéo dài.
Cháy rừng làm giảm diện tích rừng tự nhiên, gây mất môi trường sống của nhiều loài thực vật và động vật. Sự suy giảm diện tích rừng cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ CO2 của hệ sinh thái rừng, dẫn đến việc tăng lượng khí CO2 trong không khí và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.
Hạt bụi mịn và các chất gây ô nhiễm khác từ cháy rừng có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Những hạt nhỏ PM2.5 có thể bám vào lá cây và cản trở quá trình quang hợp, làm giảm năng suất cây trồng và gây tổn hại cho cây trồng. Đồng thời, sự ô nhiễm không khí cũng làm suy yếu động lực sinh tồn của các loài động và thực vật, gây thiệt hại lớn đến sự sinh sản và phát triển của chúng.
Cháy rừng còn giải phóng lượng lớn khí CO2 vào không khí, đóng góp vào hiện tượng biến đổi khí hậu và làm tăng nguy cơ xảy ra các sự kiện thời tiết cực đoan như hạn hán và lũ lụt.