Môi trường - Tài nguyên

Cháy rừng kinh hoàng suốt 96 giờ tại Hy Lạp khiến hàng chục ngôi làng phải sơ tán

Tùng Dương 17:22 03/10/2024

Giới chức Hy Lạp cho biết sau 96 tiếng, lực lượng chức năng đã khống chế thành công một vụ cháy rừng kinh hoàng ở khu vực miền Nam.

Vào ngày 02/10 vừa qua, giới chức Hy Lạp cho biết lực lượng chức năng đã khống chế thành công vụ cháy rừng kinh hoàng ở khu vực miền Nam nước này với sự tham gia của hàng trăm lính cứu hỏa, máy bay chữa cháy và các tình nguyện viên trong suốt 96 giờ.

Theo bản đồ vệ tinh do cơ quan khí tượng Hy Lạp công bố, đám cháy đã ảnh hưởng đến khoảng 6 500 hecta đất ở khu vực Corinthia thuộc vùng Peloponnese. Nhiều công trình hư hại, trong đó một nhà thờ cổ đã bị thiêu rụi. Đáng chú ý, đám cháy khiến 2 người dân địa phương thiệt mạng và khoảng chục ngôi làng phải sơ tán.

hy-lap-2.jpg
Đám cháy ảnh hưởng đến 6 500 hecta đất tại Corinthia

Khoảng 570 lính cứu hỏa, 160 xe chữa cháy cùng 11 máy bay đã có mặt tại hiện trường. Trong đó có 3 chiếc máy bay được chính phủ Italia và Croatia gửi đến sau khi Athens yêu cầu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ.

Theo điều tra ban đầu, cơ quan chức năng nghi ngờ một người nuôi ong ở địa phương đã vô tình gây ra đám cháy khi hút khói tổ ong trong quá trình thu hoạch mật, bất chấp cảnh báo về nguy cơ cháy rừng từ hoạt động này. Đối tượng sau đó đã lãnh án phạt tiền và vụ việc hiện đã được chuyển đến cơ quan tư pháp.

hy-lap-3.jpg
Nhà thờ cổ tại Corinthia sau đám cháy

Hy Lạp cùng nhiều quốc gia Nam Âu khác đang phải hứng chịu nhiều vụ cháy rừng tàn khốc vào năm nay. Hạn hán do biến đổi khí hậu, nhiệt độ cao cùng các đợt nắng nóng đã dẫn đến hơn 4 500 vụ cháy - con số kỷ lục tính đến thời điểm hiện nay.

Cháy rừng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ CO2 của hệ sinh thái rừng, dẫn đến việc tăng lượng khí CO2 trong không khí và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, đóng góp vào hiện tượng biến đổi khí hậu.

Hạt bụi mịn và các chất gây ô nhiễm khác từ cháy rừng cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Những hạt nhỏ PM2.5 có thể bám vào lá cây và cản trở quá trình quang hợp, làm giảm năng suất cây trồng và gây tổn hại cho cây trồng. Đồng thời, sự ô nhiễm không khí cũng làm suy yếu động lực sinh tồn của các loài động và thực vật, gây thiệt hại lớn đến sự sinh sản và phát triển của chúng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cháy rừng kinh hoàng suốt 96 giờ tại Hy Lạp khiến hàng chục ngôi làng phải sơ tán