Bộ Y tế cho biết 63 tỉnh, thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Phạm vi đánh giá ở cấp tỉnh, huyện và phường/xã.
26 tỉnh ở cấp độ 1 (vùng xanh, bình thường mới) gồm: Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
Ảnh minh họa
37 tỉnh cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Thuế, Tiền Giang, TP.HCM, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.
Toàn quốc không có tỉnh thành ở cấp 3 (vùng cam, nguy cơ cao) và cấp 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn có 14 huyện và 98 phường/xã thuộc vùng cam, 2 huyện (ở Quảng Nam, Thanh Hóa) và 37 phường xã thuộc vùng đỏ.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có 2 địa phương thuộc cấp độ 1 là Hà Nội và Hải Phòng. 3 thành phố còn lại gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là vùng vàng, thuộc cấp độ 2.
Trước đó, ngày 13/10, Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời về chuyên môn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 (Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”), trong đó nêu rõ 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch.
Tiêu chí 1: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần:
Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần (ca mắc mới) được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (mức 1: dưới 20 ca; mức 2: 20 tới 50 ca; mức 3: 50 tới 150 ca; mức 4: trên 150). Các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tiêu chí 2: Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19:
Tỷ lệ này phân theo 2 mức (≥70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin; <70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin). Các địa phương có thể điều chỉnh tỷ lệ tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Trong tháng 10/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Từ tháng 11/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.
Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến:
Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4 .
Các quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Bộ Y tế nhấn mạnh, trường hợp không đạt được Tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch.
Phải tăng lên 1 cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu 2 của Tiêu chí 2 (trong tháng 10/2021, tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin. Từ tháng 11/ 2021, tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin), trừ khi địa bàn đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc không có ca mắc.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vắc xin, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế xã hội, …), khả năng ứng phó có thể điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, đảm bảo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Hoàng Anh