Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã yêu cầu lãnh đạo huyện Cẩm Giàng chỉ đạo ngay các xã, thị trấn lên kế hoạch cụ thể đối với người dân có nhu cầu cấp thiết ra khỏi nhà để sản xuất nông nghiệp.
Nông dân có nhu cầu ra đồng để làm việc tại các vùng trồng rau củ quả phục vụ cho xuất khẩu phải đăng ký với chính quyền địa phương và được cấp thẻ ra vào. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ, không cấp thẻ tuỳ tiện. Địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Trên thẻ ra vào của các nông dân vùng cấp thiết, như: xã Tân Trường, xã Đức Chính phải ghi rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể, giờ ra đồng và giờ về nhà. Lộ trình cho phép của họ là từ nhà ra thẳng đồng sản xuất, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…, hết giờ trên thẻ quy định phải lập tức quay về.
Nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) trên ruộng cà rốt chưa thu hoạch
Người dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, còn khoảng 800 ha cà rốt xuất khẩu đến kỳ thu hoạch, tổng sản lượng hơn 48.000 tấn. Trong đó khoảng 250 ha trồng tại xã và hơn 550 ha người dân thuê đất ở các vùng lân cận. Trong khi đó huyện Cẩm Giàng bị phong tỏa, việc vận chuyển cà rốt từ các vùng về xã để sơ chế, rồi từ xã ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.
Toàn huyện Cẩm Giàng bị phong tỏa từ 18h ngày 5/2 khi xuất hiện 10 ca dương tính nCoV, hiện ghi nhận 95 ca tính đến hết 21/2. Toàn tỉnh Hải Dương ghi nhận 6 ổ dịch lớn là TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, TP Hải Dương và ổ dịch mới Kim Thành.
TP. Chí Linh, nơi bị phong tỏa, đang cấp thẻ cho người dân đi chợ theo ngày chẵn lẻ nhằm giãn cách xã hội.
Ngọc Mai