Vai trò của cây xanh trong phát triển đô thị
Công viên, cây xanh có thể coi là lá phổi của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người và môi trường đô thị, là một bộ phận trong hệ sinh thái tự nhiên, giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan và tạo ra các không gian công cộng giúp kết nối cộng đồng.
Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, số lượng, chất lượng, chỉ tiêu đất công viên cây xanh trên đầu người là thước đo cho sự phát triển, văn minh, chất lượng sống của từng đô thị, thành phố và quốc gia.
Trong nước, nhiều công trình kiến trúc của Việt Nam được đặc biệt coi trọng yếu tố “xanh” bền vững của môi trường trong xây dựng. Các chủ đầu tư đều thừa nhận rằng, điều đó không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, cộng đồng cũng như truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường.
Việc phát triển hạ tầng xanh đô thị được các cấp chính không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn.
Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của cây xanh đô thị. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người.
Trồng nhiều cây xanh là một trong những giải pháp phù hợp và hợp lý nhất để giảm tác động do nhiệt độ tăng cao trong môi trường đô thị. Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang nóng lên, các thành phố trên khắp thế giới đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng thường xuyên và cực đoan hơn. Ở bán cầu bắc, mức nhiệt tăng cao kỷ lục trong những năm gần đây đang đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng của hàng triệu cư dân. Các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung và Tây Âu. Cháy rừng liên tiếp xảy ra khắp châu Á, Âu và Mỹ.
Các thành phố đều đang trực diện với tình trạng đáng báo động trong vấn đề sức khỏe cộng đồng. Cư dân các khu vực thành thị chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các đợt nắng nóng, một phần bởi hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc trồng cây xanh càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với không khí và khí hậu đô thị.
Khi gió thổi không khí xuyên qua cây xanh, hàm lượng bụi trong không khí sẽ được các lá cây giữ lại phần lớn, làm cho không khí trong sạch hơn. Cây càng rậm rạp, lá càng sù sì thì bụi càng dễ bám hơn. Khi lá cây đã bám đầy bụi, trời mưa sẽ rửa sạch lá và lá sẽ tiếp tục chu kỳ hấp thụ bụi.
Dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, cây xanh sẽ hút nước từ đất, hấp thụ nhiệt bức xạ mặt trời và hấp thụ khí cacbonic (CO2) từ không khí để tiến hành lục diệp hóa và nhả ra khí Oxygen (O2) - rất hữu ích đối với sức khỏe con người và giảm thiểu khí “nhà kính” (gây biến đổi khí hậu). Đã thế, trong quá trình lục diệp hóa cây xanh sẽ hấp thụ nhiệt nên có tác dụng làm giảm sự chói chang trong những ngày nắng nóng, giảm phản xạ bức xạ mặt trời lên công trình, làm giảm nhiệt độ không khí dưới vùng cây xanh và có thể làm tăng độ ẩm không khí từ 2% - 5%. Vì vậy so với vùng đất trống không trồng cây, thì nhiệt độ không khí ở vùng cây xanh ban ngày thấp hơn, hàm lượng oxy trong không khí lớn hơn và hàm lượng CO2 ít hơn.
Bên cạnh đó, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như Anhydride, Sunfua, Fluor, Clo, Amonia … Cơ chế này được hình thành do quá trình quang hợp, cây sản xuất các ion âm (NAI), có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc không khí. Ngoài ra, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước, giữ chứa lâu dài các chất kim loại nặng, như là chì, asen, thủy ngân,... trong các mô bì của lá cây, trong thân cây, cành cây và rễ cây.
Cây xanh có khả năng lưu giữ một phần nước mưa trên cây, giữ cho mặt đất xốp cùng với hệ rễ cây đâm sâu xuống đất giúp cho nước mưa thẩm thấu nhanh xuống đất, làm giảm tình trạng úng ngập trong đô thị. Cũng nhờ tính năng này mà ở vùng trung du và miền núi, rừng cây xanh có tác dụng điều hòa nước mưa, làm giảm xói lở đất, giảm lũ tràn, lũ ống, lũ quét.
Nhờ tạo ra các khoảng trống trong đất, hệ rễ cây góp phần quan trọng trong việc dự trữ mạch nước ngầm cho mùa khô. Tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi của nước, từ đó, góp phần cải thiện tình trạng hạn hán ở nhiều địa phương.
Theo chuyên gia của Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, công viên cây xanh, hạ tầng xanh không chỉ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện môi trường không khí và nước; bảo vệ đa dạng sinh học mà còn mang lại lợi ích sức khoẻ cộng đồng.
Thực trạng cây xanh đô thị ở Việt Nam
Theo thống kê của Cục Phát triển - Bộ Xây dựng, tính đến năm 2024, Việt Nam có 22 đô thị loại 1, gồm các thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố trực thuộc tỉnh trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%. Tỉ lệ này khẳng định vai trò của đô thị luôn là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Các đô thị tại Việt Nam được phân cấp gồm 6 loại là đô thị loại đặc biệt và đô thị từ loại 1 đến loại 5. Mặc dù đang trong quá trình phát triển nhanh chóng nhưng mạng lưới thị đô ở Việt Nam phân bố không đều và quy mô cũng khác nhau bao gồm đô thị nhỏ, vừa và lớn. Trung du và miền Bắc là vùng có nhiều đô thị nhất nhưng chủ yếu là các đô thị vừa và nhỏ với mật độ dân số thấp. Trong khi Đông Nam Bộ là vùng có ít đô thị nhưng lại tập trung các đô thị lớn với mật độ dân số cao nhất cả nước.
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đô thị nói chung và hạ tầng đô thị nói riêng. Đặc biệt kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội còn nhiều bất cập.
Trước thực trạng đó, việc quản lý, xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững cần được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Đây là xu hướng phát triển bền vững đô thị không chỉ ở Việt Nam mà còn là xu thế trên toàn thế giới.
Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu cải thiện cảnh quan, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh, các địa phương đã huy động được nguồn lực lớn từ người dân, doanh nghiệp, cộng đồng để chung tay xanh hóa cảnh quan. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh ở các thành phố lớn, khu vực đô thị cho đến nay còn thấp. Hiện cả nước mới trồng được gần 770 triệu cây xanh gồm 334,5 triệu cây phân tán và 435,4 triệu cây tập trung. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện đề án trong 3 năm đạt gần 9.500 tỷ đồng trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%, còn lại là vốn ODA, xã hội hoá và các nguồn vốn khác.
Các địa phương ở khu vực trung du, miền núi đi đầu trong việc thực hiện đề án như: Lào Cai trồng được 61,6 triệu cây, Phú Thọ 52 triệu cây, Gia Lai 37,3 triệu cây, Nghệ An 34,4 triệu cây...Nhiều địa phương trồng trên 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La, Cà Mau. Các tỉnh trồng trên 15 triệu cây gồm có Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.
Trong khi đó, ở thành phố, khu đô thị, tỷ lệ trồng cây xanh còn thấp. Sau 3 năm triển khai, Hà Nội hiện có 1,9 triệu cây, TP.HCM 5 triệu cây, Đà Nẵng 1,6 triệu cây, Hải Phòng 1,6 triệu cây. Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho thấy, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam còn ở mức thấp, tương đương 2 - 3m2/người, không đạt mục tiêu đề ra (Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người).
Theo Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam của Cục Hạ tầng kỹ thuật (thuộc Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2. Một số đô thị có tỷ lệ cây xanh đô thị bình quân đầu người ở mức cao như: TP. Huế 18 m2/người, TP. Vinh 10,5 m2/người, TP. Vũng Tàu 10 m2/người. Thủ đô Hà Nội chỉ đạt tỷ lệ 5,52 m2/người trong khi TP. HCM và TP Đà Nẵng có mức thấp (2,4 m2/người). Điều này có nghĩa là chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.
Về số lượng cây xanh đô thị (thân gỗ lớn, cây bóng mát) hiện chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên tại một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh như Hà Nội khoảng 1 triệu cây xanh bóng mát, Đà Nẵng khoảng 350.000 cây (năm 2015), TP. Hồ Chí Minh khoảng 236.000 cây (theo số liệu quản lý của các đơn vị trên địa bàn, năm 2019), TP. Vũng Tàu khoảng 38.000 cây, Thành phố Quy Nhơn khoảng 54.000 cây, các đô thị tỉnh Bình Phước khoảng 43.000 cây,…
Tuy vậy, việc quản lý, đầu tư phát triển công viên chủ yếu mới chỉ được quan tâm tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng...
Theo thống kê của Phòng Quản lý cây xanh, chiếu sáng và công trình ngầm Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó giao Sở Xây dựng trồng mới 500.000 cây xanh đô thị (trong tổng số 3,5 triệu cây trồng mới toàn thành phố), Sở Xây dựng đã tham mưu trình UBND TP ban hành kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 8/3/2023 về trồng mới 500.000 cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025. Lũy kế kết quả thực hiện từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận, thị xã và 05 huyện có Đề án lên quận đã trồng được hơn 147.000 cây bóng mát, 110.806 cây cảnh, khóm; 549.449m2 cây mảng, thảm cỏ trên 644 tuyến đường phố của 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây. Ngoài ra, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện còn khoảng 460.900 cây tại các địa bàn còn lại do UBND cấp huyện quản lý trên các tuyến đường phố thuộc địa bàn 12 quận nội thành và 17 huyện, thị xã Sơn Tây.
Hệ thống cây xanh bóng mát tại Hà Nội hiện rất phong phú và đa dạng về chủng loài với 175 loài thuộc 55 họ thực vật trong đó, có những loài được coi là đặc trưng của Hà Nội với lượng cây lớn như: xà cừ khoảng 10.400 cây; phượng vĩ khoảng 16.000 cây; bằng lăng khoảng 17.500; hoa sữa khoảng 14.400; muồng khoảng 12.500; sấu khoảng 26.400; sao đen khoảng 1.800…