Chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy vượt ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nam, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy đang ở mức đáng báo động, nhiều điểm đo vượt xa quy chuẩn cho phép, thậm chí xuống dưới mức D – mức chất lượng rất xấu.
Kết quả quan trắc tại các điểm như cống Nhật Tựu, cống Ba Đa (sông Nhuệ), trạm bơm Hoành Uyển, cầu Hoà Mạc (sông Châu Giang) và cầu Hồng Phú (sông Đáy) cho thấy, nước có màu đen, mùi hôi rõ rệt.
Diễn biến ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân vùng ven sông. Nồng độ Amoni vượt 84 lần, hàm lượng ôxy hoà tan ở mức cực thấp.

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, chất lượng nước mặt tại nhiều vị trí đang vượt xa giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2023/BTNMT.
Tại cống Nhật Tựu, nồng độ Amoni (NH₄⁺ tính theo N) lên tới 25,4 mg/l, vượt giới hạn 84,67 lần; ôxy hòa tan (DO) chỉ đạt 1,16 mg/l, thấp hơn 5,17 lần.
Cống Ba Đa ghi nhận Amoni ở mức 17,1 mg/l (vượt 57 lần); DO là 1,81 mg/l (thấp hơn 3,31 lần).
Trạm bơm Hoành Uyển: Amoni 9,52 mg/l (vượt 31,73 lần); DO 1,80 mg/l.
Cầu Hoà Mạc: Amoni 13,5 mg/l (vượt 45 lần); DO 2,40 mg/l.
Cầu Hồng Phú (sông Đáy): Amoni 8,23 mg/l (vượt 27,43 lần); DO 3,73 mg/l.
Dựa trên kết quả trên, chất lượng nước tại cống Nhật Tựu, Ba Đa và trạm bơm Hoành Uyển được đánh giá dưới mức D, trong khi cầu Hồng Phú và Hoà Mạc ở mức C – đều là mức ô nhiễm đáng lo ngại.
Cảnh báo ô nhiễm cấp độ 2 toàn lưu vực sông Nhuệ - Đáy
Tỉnh Hà Nam đã chính thức cảnh báo ô nhiễm cấp độ 2 đối với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, theo Quyết định số 19/2023/QĐ-UBND về quy định bảo vệ môi trường.
Trước tình hình này, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đề nghị:
UBND các địa phương ven sông cần cảnh báo người dân, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản, có biện pháp phòng ngừa.
Chi cục Thủy lợi Hà Nam điều chỉnh lịch cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Công ty CP Nước sạch Hà Nam tăng cường theo dõi, đảm bảo cấp nước sinh hoạt an toàn cho người dân.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với tỉnh Hà Nam trong việc xử lý nước thải, kiểm soát nguồn xả thải và tái thiết hệ thống hạ tầng môi trường cho cả khu vực sông Nhuệ - Đáy.