Chế độ ăn uống cho người bệnh tim mạch trong ngày Tết
Theo chuyên gia, bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch không nên uống rượu bia quá mức vì có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Tránh các trạng thái cảm xúc mạnh quá vui, quá buồn.
Tết đến xuân về, nhà nhà người người cùng vui đón Tết. Tuy nhiên, đón Tết như nào cho khoa học đặc biệt đối với những người bệnh nhất là bệnh nhân tim mạch.
Để có thực đơn khoa học cho người bệnh tim mạch, các bác sĩ đã đưa ra một số lưu ý để người bệnh ăn Tết Ất Tỵ an toàn, bảo vệ sự khỏe.
Theo đó, các bệnh nhân mắc bệnh tim mặc cần phải tuân thủ thuốc điều trị, uống thuốc đúng giờ, không tự ý ngừng hoặc thay đổi liều lượng, ngay cả khi bận rộn.
Tránh thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa (thịt mỡ, đồ chiên xào), đường (bánh kẹo ngọt), và muối (dưa muối, mắm).
Không nên uống rượu bia quá mức vì có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Tránh các trạng thái cảm xúc mạnh quá vui, quá buồn….
Các bác sĩ cho biết, người mắc tim mạch cũng không nên hoạt động gắng sức quá mức (leo núi, khiêng đồ nặng). Nên duy trì tập luyện nhẹ nhàng, đi bộ, yoga. Nếu có dấu hiệu mệt mỏi, phù chân, khó thở tăng, cần đi khám ngay.
Khi tái khám cần sắp xếp lịch tái khám trước hoặc ngay sau Tết để đảm bảo điều trị không bị gián đoạn.
Người bệnh cũng nên tránh lo âu, căng thẳng quá mức vì có thể làm tăng huyết áp hoặc tái phát triệu chứng. Cần thiết, mặc ấm khi trời lạnh, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Các lưu ý đặc thù cho bệnh nhân tim mạch: Hạn chế muối, tránh các món ăn mặn như dưa muối, củ kiệu, bánh chưng, bánh tét vì có thể gây giữ nước, tăng gánh nặng cho tim.
Chú ý lượng nước uống, cần đảm bảo lượng nước sử dụng vừa đủ, không quá nhiều có thể gây khó thở và phù, nhưng nếu quá ít có thể gây suy thận hoặc tụt huyết áp. Theo dõi cân nặng hàng ngày, nếu tăng > 2kg trong 2-3 ngày, cần thông báo cho bác sĩ.
Với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu cần hạn chế thức ăn giàu vitamin K (rau cải xanh, bông cải xanh) vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc chống đông.
Bệnh nhân tim mạch thường đang được kê đơn thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu, nên nguy cơ chảy máu cao hơn bình thường. do đó cần tránh các hoạt động có nguy cơ chấn thương vì có thể gây chảy máu nghiêm trọng.
Nếu gặp các trường hợp sau thì cần vào viện, như đau ngực dữ dội, khó thở nặng, tim đập nhanh, loạn nhịp, hoặc cảm giác như ngất, phù chân, bụng to nhanh bất thường, huyết áp quá cao hoặc quá thấp, các triệu chứng không cải thiện khi dùng thuốc.