Chỉ 2% lượng rác được chôn lấp đúng cách

Kiều Minh|09/08/2022 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đó là khẳng định của Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong buổi toạ đàm “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.

quang-huan-a2-1659952862219.jpg
Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Quang Huân

Công nghệ chôn lấp, xử lý rác thải để sản xuất biogas, rác hữu cơ thành phân compost, công nghệ đốt rác không phát điện đây là một số công nghệ đang được Việt Nam áp dụng trong việc xử lý rác hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Huân chia sẻ: Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp. Nhưng rất tiếc chỉ 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, nghĩa là đúng tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác phải thu được nước thải rác... Đây là một lý do mà trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 không khuyến khích loại hình chôn lấp này nữa.

Thứ hai là sử dụng công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ như nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình. Tuy nhiên, sử dụng công nghệ này đang gặp khó khăn, khó đứng vững được về tài chính và phân loại rác bằng tay nên cũng khá độc hại cho người lao động.

Công nghệ thứ ba phổ biến hơn, đó là xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh. Công nghệ này cũng gặp khó bởi công tác phân loại rác chưa được thực hiện, thành ra bị lẫn kim loại nặng và chỉ phù hợp bón cho cây công nghiệp. Nếu bón cho cây nông nghiệp hoặc cây trồng bình thường có thể gây chết cây và ô nhiễm đất.

Bên cạnh đó, có một loại công nghệ nữa trong vài năm vừa qua sử dụng rất nhiều, đó là công nghệ đốt rác không phát điện. Công nghệ này rất gây ô nhiễm, tức là chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí. Vì thế Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, yêu cầu lò đốt rác phải đảm bảo kỹ thuật tối thiểu, loại bỏ lò đốt rác không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, quy chuẩn này cũng đang gây ra một số băn khoăn cho những công nghệ tiên tiến.

Còn công nghệ đốt rác phát điện mà các đại biểu đã đề cập, hiện có hai nhà máy ở Cần Thơ và ở Hà Nội vừa vận hành phát thử. Không biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có số liệu về khí thải của công nghệ này như thế nào, có đáp ứng được tiêu chuẩn của của Luật hay không?

Một công nghệ nữa là kết hợp biogas với phát điện và nguồn điện này có thể chỉ cần dùng sấy rác để tạo nguồn rác khô. Nhưng sau đó doanh nghiệp tạo ra các viên nhiệt trị để làm nguyên liệu đầu vào cho các cái dây chuyền sản xuất khác. Khí hóa các loại rác và sử dụng khí đấy làm nguyên liệu đầu vào làm nổ trực tiếp động cơ đốt trong.

Gần đây nhất Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, muốn áp dụng công nghệ đốt rác và phát điện thì phải khuyến khích phân loại được rác. Tuy nhiên, cũng có độ trễ trong quá trình triển khai truyền thông, vận động người dân thực hiện khâu phân loại ngay từ đầu nguồn.

Theo tôi được biết, một số nhà máy cũng đốt rác phát điện nhưng lượng tro xỉ chôn lấp lên tới 25%, chưa kể từ 5% khí bụi bay ra ngoà. Vậy nhà máy xử lý được bao nhiêu? Khi tỷ lệ xử lý không đáng kể sẽ ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp bởi phát ít điện quá, hoặc sản xuất được lượng phân compost ít. Khi vấn đề tài chính không bảo đảm, nhà máy đóng cửa thì rác thải lại ùn ứ, lại phải chôn lấp!?

Trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Hiện Ủy ban đã tiến hành khảo sát ở các địa phương, sắp tới sẽ làm việc các bộ, ban, ngành để có báo cáo cụ thể, tìm ra lý do là tại sao chúng ta chưa xử lý được rác thải triệt để và lựa chọn công nghệ gì cho phù hợp. Lúc đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có ý kiến cụ thể hơn.

Hiện tại ở Việt Nam có bước đầu tiên công nghệ xử lý rác. Chính vì vậy, chúng ta cần có những hoạt động đầu tư công nghệ xử lý rác hợp lý ngay từ bây giờ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ 2% lượng rác được chôn lấp đúng cách