Chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng trở lại

Ngọc Linh|29/09/2020 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau nhiều ngày chất lượng không khí ở mức tốt, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội lại tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Tại hơn 80 điểm quan trắc ở Hà Nội trong sáng nay của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận ô nhiễm lên ngưỡng đỏ, thậm chí cá biệt có những điểm lên ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người).

Các điểm đo của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng đỏ. Hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng kém, có khả năng tác động đến sức khỏe nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch.

Theo các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí tại Hà Nội bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng và các hoạt động dân sinh. Tuy nhiên, có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện thời tiết. Những ngày như hôm qua, điều kiện thời tiết lặng gió khiến cho chất ô nhiễm không khuếch tán được, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Từ tháng 9, thông số ô nhiễm trong không khí đặc biệt là bụi mịn PM2.5 có xu hướng tăng

Tổng cục Môi trường cho biết, theo quy luật hàng năm, từ tháng 9, thông số ô nhiễm trong không khí đặc biệt là bụi mịn PM2.5 có xu hướng tăng. Các đợt ô nhiễm không khí nặng có thể diễn ra. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí thời gian tới.

Kết quả quan trắc cho thấy, thời điểm bụi tăng cao thường tập trung vào sáng sớm trong thời gian người dân đi làm và học sinh đi học. Do đó, để có thể bảo vệ cho chính sức khỏe bản thân và gia đình, sở TN&MT Hà Nội khuyến cáo, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí nơi mình đang sinh sống thông qua các trang công bố chất lượng không khí để có các biện pháp phòng tránh.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường cũng đặt ra 2 giả thiết để chất lượng không khí được cải thiện trở lại: Thứ nhất, khi khu vực Hà Nội có mưa rào và dông sẽ giúp hòa tan các chất ô nhiễm và bụi mịn lơ lửng trong bầu khí quyển. Thứ hai, nhiệt độ tăng cao, trời nắng, quang mây và có gió thổi mạnh cũng sẽ đẩy các chất ô nhiễm lên cao.

Bên cạnh đó, chất lượng không khí suy giảm một phần do người dân đốt vàng mã vào các ngày rằm.

Để cải thiện chất lượng không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị người dân hạn chế đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; giảm sử dụng phương tiện cá nhân… Các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông trong giờ cao điểm ở những khu vực thường xuyên ùn tắc…

Bộ Y tế khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu) trở lên, người dân nên hạn chế ra đường phố, đi tập thể dục, lao động ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường.

Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Người có bệnh hô hấp, người già, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.

Ngọc Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng trở lại