Chuyển đổi nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Minh Anh (t/h)|03/12/2019 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 2/12, tại TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan của Việt Nam và Hà Lan về Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long ( MD-ATP).

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình hợp tác Việt Nam- Hà Lan về Chuyển đổi nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời, thảo luận giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà quản lý về sự cần thiết của chương trình hợp tác và xác định yêu cầu cụ thể. Từ đó, xây dựng và thực hiện chương trình và thảo luận về tầm nhìn và quan điểm trong việc xây dựng chương trình hợp tác và đề xuất khả năng hợp tác giữa các bên…

Ảnh minh họa

Theo dự kiến, trong giai đoạn đầu từ năm 2020-2023, MD- ATP sẽ xúc tiến phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp tại 6 vùng sinh thái nông nghiệp của ĐBSCL. Chương trình cũng sẽ mở rộng liên kết với nhiều đối tác mới. Chương trình sẽ được hoàn thành vào năm 2030, sau khi đã phát triển và hiện đại hóa một loạt các lĩnh vực liên doanh nông nghiệp tại ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hà Lan là quốc gia có diện tích nhỏ, có diện tích và dân số tương tự vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Lan cũng có vùng đất thấp nhưng phát triển rất mạnh về nông nghiệp, xuất khẩu nông sản của Hà Lan đứng thứ 2 trên thế giới.

Với sự tương đồng của Việt Nam và Hà Lan trước những thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam rất mong muốn có những chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có các vấn đề về quy hoạch, quản trị, về đầu tư xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt là đầu tư xây dựng chuỗi giá trị chủ lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức của biến đổi khí hậu…

Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, mục tiêu chính của hội thảo lần này là lấy ý kiến của các bên liên quan, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia độc lập, các doanh nghiệp các tổ chức quốc tế quan tâm, các địa phương cung cấp thông tin cùng xây dựng các địa bàn chuyển đổi nông nghiệp trong giai đoạn mới. Sau khi hoàn thiện báo cáo, hai bên sẽ tổ chức hội nghị tham vấn cấp cao gồm lãnh đạo địa phương, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và thống nhất các lộ trình thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa thủ tướng 2 nước…

Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết: “Hà Lan có thể cung cấp kiến thức độc đáo về quản lý nguồn nước và kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, chúng tôi đã có kinh nghiệm từ việc triển khai Kế hoạch ĐBSCL trước đây.

Qua đó, hy vọng rằng trong giai đoạn triển khai quan hệ đối tác chiến lược và lâu dài giữa Hà Lan – Việt Nam này, MD-ATP có thể phối hợp và khuếch trương tác động của những nỗ lực chung giữa chính quyền các tỉnh, các viện nghiên cứu, đối tác phát triển quốc tế và khối tư nhân. Nếu không có chương trình, nhiều khả năng những nỗ lực này sẽ bị thiếu tính liên kết”.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long