Cù Lao Chàm hành trình từ “đảo rác” đến hình mẫu điểm đến không rác thải

Mai An|06/07/2020 08:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ lâu Cù Lao Chàm đã trở thành một hình mẫu về việc hạn chế nguồn rác thải độc hại, đặc biệt là phong trào nói không với túi nilông đã thành công, đưa hòn đảo này thành một điểm đến nổi tiếng sạch và xanh.

Nằm cách phố cổ Hội An chừng 12 hải lý, hòn đảo Cù Lao Chàm được người dân bản địa tự hào với bờ biển xanh, đồi cát trắng và cả cánh rừng xanh ngắt trải dài bạt ngàn cây lá. Không những vậy, Cù Lao Chàm được xem là hình mẫu trong phong trào nói không với túi nilông và giờ đây đang đứng trước cơ hội trở thành hình mẫu về điểm đến không rác thải ra môi trường.

Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ có 70 – 80% cộng đồng dân cư tại Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh sẽ không phát sinh rác thải ra môi trường.

Cù Lao Chàm ngày nay trở thành hình mẫu về điểm đến không rác thải.

Nỗ lực biến đảo “rác” thành đảo “xanh”

Tại hội thảo khởi động dự án “Chia sẻ cộng đồng không rác thải tại châu Á được lựa chọn” diễn ra giữa tháng 6, đại diện các tổ chức môi trường cho biết tại Việt Nam, dự án cũng thí điểm một số nơi nhưng chưa nơi nào thành công.

Bởi vậy, khi quyết định chọn Cù Lao Chàm và xã Cẩm Thanh của Hội An, các nhà tài trợ đã đặt kỳ vọng rất lớn bởi từ lâu Cù Lao Chàm đã trở thành một hình mẫu về việc hạn chế nguồn rác thải độc hại, đặc biệt là phong trào nói không với túi nilông đã thành công, đưa hòn đảo này thành một điểm đến nổi tiếng sạch và xanh.

Theo bà Trần Thị Kim Thùy – cán bộ môi trường xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), Cù Lao Chàm trước đây từng là hòn đảo ngập ngụa trong rác. Bao nilông tràn lan khắp nơi và biến thành “nút thắt” về vấn đề ô nhiễm môi trường khó tháo gỡ.

Nhưng mọi việc đã hoàn toàn thay đổi kể từ năm 2009. Trước việc đảo ô nhiễm ngày càng nặng, ông Nguyễn Sự – lúc đó là bí thư Thành ủy Hội An – cùng cán bộ địa phương đã trực tiếp đi vận động người dân không dùng túi nilông.

Chính quyền kiên trì làm từng bước, từ vận động, thuyết phục kết hợp xử phạt. Người dân cũng được tạo điều kiện để phát triển sinh kế, hướng dẫn làm du lịch đi liền với bảo vệ môi trường cảnh quan. Chỉ sau ít năm, Cù Lao Chàm từ “đảo rác” trở thành hòn đảo không túi nilông.

Câu chuyện dân Cù Lao Chàm đoạn tuyệt với túi nilông đã đi đến một hình mẫu lý tưởng nhiều hơn cả mong đợi: dân tạo ra tiền từ hoạt động sống tử tế với môi trường.

Cù Lao Chàm sạch đã thu hút rất đông khách du lịch. Người dân từ chỗ 85% đánh bắt thủy hải sản thì nay đã thay đổi ngoạn mục: hơn 80% người dân sống dựa vào ngành du lịch, thu nhập bình quân đầu người vào nhóm cao nhất vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam.

Cụm đảo nhỏ này đang trở thành điểm đến của cả thế giới, mỗi ngày bình quân 4.000 khách đặt chân tới thăm. Ngay cả trong khó khăn của đại dịch Covid-19, khách du lịch vẫn lựa chọn hòn đảo xanh này để tham quan.

Kỳ vọng lan tỏa thông điệp về môi trường

Ông Trần Hữu Vỹ, giám đốc Green Việt, cho biết một yếu tố quan trọng quyết định tới sự thành công của một dự án là ý thức của cộng đồng dân cư.

Khi triển khai quyết định tài trợ cho Cù Lao Chàm và Cẩm Thanh, các tổ chức quốc tế đã tìm hiểu và đặt kỳ vọng rất lớn vào tương lai ở hai khu vực này bởi phạm vi dự án nằm ngay trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Từ lâu cộng đồng dân cư ở Cù Lao Chàm, Hội An đã được làm quen với du lịch, ứng xử với môi trường cũng cao vượt trội so với các nơi khác.

“Chúng tôi tin rằng dự án sẽ triển vọng bởi có sự cộng tác của ba thành phần chính: cộng đồng địa phương, chính quyền và các tổ chức. Quan trọng nhất ở đây là Cù Lao Chàm đã rất nổi tiếng về phong trào nói không với túi nilông” – ông Vỹ nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng – phó chủ tịch UBND TP Hội An – cho hay từ lâu Hội An đã tổ chức phân loại rác tại nguồn. Mỗi gia đình được hướng dẫn để ít nhất hai thùng rác tại bếp ăn. Hằng ngày khi chế biến, nấu nướng và sinh hoạt trong gia đình thì rác thải rắn khó tiêu hủy được bỏ vào một thùng.

Người dân Cù Lao Chàm từ lâu đã dùng giỏ sử dụng nhiều lần để đi chợ và hướng đến mục tiêu không sử dụng ống hút nhựa, chai nhựa dùng 1 lần.

Các loại rác hữu cơ được bỏ vào thùng riêng. Hội An tổ chức xe môi trường đi thu gom theo ngày luân phiên, các ngày trong tuần được chia ra và xe thu gom rác cũng có màu nhận diện để người dân nhận biết ngày nào gom rác hữu cơ, ngày nào gom rác thải khó phân hủy.

Nguồn rác này sau đó được đưa về nhà máy rác và tiếp tục đi theo quy trình, rác hữu cơ được ủ thành phân để tái sử dụng.

Dù vậy, theo ông Hùng, để một mô hình cộng đồng không rác thành công thì còn rất nhiều việc phải làm. “Tôi mong chỉ 300 – 500 hộ làm chỉn chu, thu gom rác triệt để như dự án đặt ra thì cũng đã thành công rồi. Số hộ này sẽ là “vệt dầu loang” ra cộng đồng Hội An” – ông Hùng nói.

Đại diện các tổ chức quốc tế cũng dành nhiều “điểm cộng” khi đánh giá nỗ lực “sống xanh” hiện đã trở thành một xu thế tại Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh và lan rộng ra toàn Hội An.

Mai An

Bài liên quan
  • Quản lý chặt chất thải nhựa khó phân hủy
    Moitruong.net.vn – Quản lý rác thải nhựa trên đất liền nhằm hạn chế ra đại dương theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cù Lao Chàm hành trình từ “đảo rác” đến hình mẫu điểm đến không rác thải