Đà Nẵng: Khôi phục sản xuất lúa do thiếu nước, nhiễm mặn

Thùy Minh|14/06/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hơn 142ha lúa vụ hè thu trên địa bàn các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) bị ảnh hưởng do nguồn nước tại các trạm bơm bị nhiễm mặn, thiếu nước. Các đơn vị đã, đang tích cực phối hợp với nông dân các địa phương khôi phục sản xuất tại những thửa ruộng bị thiệt hại nặng.

Trạm bơm Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) ngừng hoạt động từ ngày 30/5 đến chiều 10/6 do nguồn nước sông Túy Loan bị nhiễm mặn nặng, gây ảnh hưởng trực tiếp nhiều diện tích lúa vụ hè thu trên địa bàn xã Hòa Nhơn. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng điều phối nguồn nước từ các trạm bơm, lách mặn để bơm nước, đắp các đập bổi và lắp đặt các trạm bơm chống hạn, nhưng có đến 40ha lúa ở các thôn Hòa Khương Đông, Hòa Khương Tây, Thạch Nham Tây, Phú Hòa 1 và một ít diện tích ở thôn Phước Thái (cánh đồng Dưa) không có đủ nguồn nước tưới để cấp. Cùng với đó, 26ha lúa ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) do trạm bơm Túy Loan đảm nhiệm tưới cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước sông Túy Loan ở thượng lưu cầu Giăng bị nhiễm mặn nặng trong 11 ngày đó.

Những ngày gần đây, các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia đã xả nước về hạ du với lưu lượng cao hơn trước đây, kết hợp trời có mưa giông và thủy triều thấp đã làm giảm mặn nguồn nước sông tại các trạm bơm. Lúc 17 giờ ngày 10'/6, ngay sau khi quan trắc được độ mặn nước sông Túy Loan tại thượng lưu cầu Giăng đã giảm xuống dưới 1,2ppt (1,2‰), Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đã vận hành ngay 4 máy bơm sau 11 ngày ngừng hoạt động. Nguồn nước này được đưa về hồ Trường Loan để hòa trộn với nước hồ cho giảm sâu độ mặn cũng như tạo nguồn cho trạm bơm Trường Loan đưa nước vào các thửa ruộng. Ông Phan Thanh Tòng, Trưởng trạm bơm Túy Loan (Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi quan trắc độ mặn nguồn nước sông liên tục để tránh bơm phải nước có độ mặn quá lớn. Hiện nay, chúng tôi ưu tiên cấp nước cho cánh đồng Dưa (thôn Phước Thái) và đồng Gia, Trịa (thôn Thạch Nham Tây), các cánh đồng khác ở xã Hòa Nhơn và các cánh đồng ở các tổ 5, 6 và 7, phường Hòa Thọ Tây”.

nhiem-man.png
Ảnh minh họa

Sáng ngày 12/6, tại cánh đồng ở thôn Hòa Khương Tây (xã Hòa Nhơn), nhiều thửa ruộng đã được tưới từ trạm bơm Túy Loan, nhưng vẫn còn nhiều thửa đang bị khô nước, còn nguyên vết nứt nẻ trên mặt ruộng. Bà Lê Thị Thu Hoa (nông dân thôn Hòa Khương Tây) cho hay: “Gia đình tôi gieo sạ được 2,3 sào, nhưng do nước tưới bị nhiễm mặn rồi khô nước trong nhiều ngày nên lúa bị chết hơn 50%, số còn lại đang sống là nhờ trời mưa. Bây giờ có nước về rồi thì người dân trỉa dặm, bón phân thêm... cho cây lúa nhanh phục hồi và phát triển, nhưng cũng mong các đơn vị chức năng có giải pháp bảo đảm nước tưới để người dân có được thu hoạch, hạn chế thiệt hại”.

Tại phường Hòa Thọ Tây, nước được bơm từ trạm bơm Túy Loan đã chảy vào các thửa ruộng, nhưng do bị nhiễm mặn và khô nước lâu ngày làm nhiều thửa ruộng có tỉ lệ lúa chết từ 80-90%. Thấy nước về, nhiều nông dân đã tranh thủ rửa mặn để cứu diện tích lúa đang sống và trỉa dặm. Ông Võ Hải (nông dân ở tổ 5, phường Hòa Thọ Tây) cho hay: “2,13 sào ruộng của gia đình tôi có tỉ lệ lúa chết 80-90% do ruộng bị nhiễm mặn và khô nước, thiệt hại gần 1,5 triệu đồng tiền giống, phân, máy cày và lồng. Người dân mong các cơ quan chức năng hỗ trợ thiệt hại nếu không được gieo sạ lại do trễ lịch thời vụ hoặc nếu cho phép người dân gieo sạ lại thì có hỗ trợ về giống, tiền ca máy lồng...”.

Tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp để chống hạn và bảo đảm nước tưới cho 135ha lúa vụ hè thu thuộc phạm vi tưới của 2 trạm bơm Dương Sơn và Miếu Ông. Đồng thời, bổ sung nguồn nước từ hồ Đồng Nghệ về để hòa với nguồn nước từ một số trạm bơm bị nhiễm mặn và tạo nguồn cho các trạm bơm chống hạn tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang). Ông Nguyễn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 cho biết, hiện nay, nguồn nước tại các trạm bơm dọc sông Yên ở hạ lưu đập dâng An Trạch đã giảm mặn nên đã được vận hành trở lại, kết hợp với nguồn nước từ các trạm bơm chống hạn do chính quyền địa phương và nông dân lắp đặt để bảo đảm nước tưới cho lúa cũng như rửa mặn, làm giảm độ mặn trên các cánh đồng, khôi phục sản xuất. Đến nay, có 43ha lúa bị ảnh hưởng đã được khắc phục tình trạng thiếu nước, nhiễm mặn, trong đó có 9ha phải gieo sạ lại. Hiện diện tích lúa mới gieo sạ lại đang lên yếu, vì thế, nông dân đang tích cực theo dõi và chăm sóc.

Theo Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị đã có hướng dẫn các hợp tác xã, địa phương giải pháp khắc phục diện tích lúa vụ hè thu bị nhiễm mặn, thiếu nước, đặc biệt là các diện tích có tỉ lệ lúa bị chết cao. Theo đó, đối với diện tích có tỉ lệ lúa chết 30-100% do bị nhiễm mặn, các HTX, địa phương vận động nông dân gieo sạ lại. Trước khi gieo sạ lại, cho nước ngọt vào ruộng rồi xả nước ra để rửa mặn 1-2 lần. Khi kiểm tra thấy độ mặn an toàn (dưới 1‰) thì mới gieo sạ lại với giống lúa ngắn ngày và bảo đảm theo khung lịch thời vụ. Đối với với diện tích có tỉ lệ lúa bị chết dưới 30% do bị nhiễm mặn, cho nước ngọt vào ngâm rồi tháo nước ra rửa mặn 1-2 lần kết hợp phun phân bón qua lá để thúc đẩy cây lúa sinh trưởng phát triển, rồi trỉa dặm thêm và chăm sóc bình thường. Đơn vị cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các HTX tiếp tục theo dõi đo độ mặn nguồn nước tại các trạm bơm trước khi tưới cho cây lúa và bảo đảm nước tưới. Với diện tích lúa mới gieo sạ lại hoặc trong giai đoạn trỉa dặm, đơn vị khuyến cáo phải bảo đảm độ mặn của nước tưới dưới 1‰. Đối với diện tích lúa trong giai đoạn lúa bén rễ và hồi xanh, đẻ nhánh, khuyến cáo tưới nước có độ mặn dưới 2‰.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Khôi phục sản xuất lúa do thiếu nước, nhiễm mặn