Đà Nẵng: Ma nhai được UNESCO công nhận là di sản thế giới

Vũ Thành|01/03/2023 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng lâu nay đã trở thành một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, vọng cảnh.

Sáng 1/3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

ma-nhai-2-.jpg
Ma nhai là hệ thống văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động

Di sản tư liệu Ma nhai

Đây là một trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh (bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Trong đó, động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai, động Huyền Không lưu giữ 30 ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng.

Động Tàng Chơn có 20 ma nhai, động Vân Thông có 2, động Linh Nham có 3, hang Vân Căn Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.

Đây là nguồn tư liệu quý, có giá trị được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Ẩn chứa trong nguồn di sản tư liệu này là các thông tin đặc biệt từ quá khứ như mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á từ thế kỷ XVII.

Chính sách hướng biển và ngoại giao cởi mở, mềm dẻo của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa kiều ở Việt Nam.

Hệ tư tưởng chính trị Nho giáo của triều Nguyễn và các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam như truyền thống yêu nước, hiếu học, yêu chuộng chữ nghĩa.

Lịch sử về giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của thương cảng Hội An và giao lưu hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Diện mạo, vẻ đẹp nguyên thủy của danh thắng Ngũ Hành Sơn - một vùng thắng tích được mệnh danh là "Nam châu đệ nhất danh thắng".

Địa danh địa phương, bổ sung cho các tài liệu cổ như Ô châu cận lục và Phủ biên tạp lục cũng như các bộ địa chí của triều Nguyễn. Lịch sử hình thành và phát triển của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, các kỹ thuật điêu khắc đá thủ công đã không còn phổ biến.

ma-nhai-1-.jpg
Đà Nẵng chính thức đón bằng di sản tư liệu thế giới với Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Phát huy giá trị của di sản

Tại sự kiện, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã chính thức giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn, cùng các đơn vị có liên quan cùng trao đổi để tìm các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn danh thắng Ngũ Hành sơn nói chung và Ma nhai Ngũ Hành Sơn nói riêng với định hướng bền vững, lâu dài và hiệu quả.

Trong đó, ưu tiên chú trọng thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”; Tổ chức, kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các Ma nhai. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản Ma nhai một cách bền vững, khoa học và hiệu quả, mang tính thực tiễn cao. Và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng. Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để học tập và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu bia Ma nhai.

“Một trong những công việc ưu tiên hàng đầu mà chúng tôi đã, đang và sẽ triển khai quyết liệt là hạn chế tối đa, giảm nguy cơ các tác động tự nhiên, cùng như của con người, khiến các văn tự trên đá bị bào mòn, thậm chí hư hại”, ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết.

Còn theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, sắp tới sẽ có biện pháp nghiêm cấm hẳn để bảo vệ Ma Nhai. Về quảng bá giá trị Ma Nhai Ngũ Hành Sơn, trong năm nay, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ mở 10 lớp tập huấn cho 1.000 hướng dẫn viên du lịch, bổ sung và cập nhật kiến thức về một di sản tư liệu vô cùng độc đáo mà Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng.

“Chúng tôi đang thực hiện số hóa dữ liệu về Ma Nhai và sắp tới chúng tôi sẽ cập nhật lên Bản đồ di sản Đà Nẵng. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện gắn QR Code tại các hang, động ở Ngũ Hành Sơn có Ma nhai. Du khách chỉ cần quét mã QR là có ngay thông tin rất đầy đủ về nội dung văn tự được khắc lên đá ở hang, động mình đang tham quan. Tư liệu cho từng Ma nhai được chúng tôi thực hiện rất công phu. Từ nguyên bản (đọc âm), dịch nghĩa, tác giả - các chú thích về tác giả, niên đại của Ma nhai, …”, ông Thiện nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tăng cường truyền thông, quảng bá giá trị di sản tư liệu bia Ma nhai một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua nhiều hoạt động, phương thức đa dạng nhằm nâng cao ý thức của người dân và du khách; tăng cường giới thiệu tư liệu quý này vào trường học, qua đó giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt chú trọng nhiệm vụ giáo dục, truyền thông trong cộng đồng nhằm phát huy vai trò của chủ thể quan trọng này trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

Với ý nghĩa đặc biệt đó, tại “Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng 2023”, Ban tổ chức sẽ có nội dung diễn thuyết, giới thiệu riêng về Ma nhai Ngũ Hành Sơn, mở triển lãm 78 tác phẩm Ma nhai. Đây cũng là lần đầu tiên, Ma nhai Ngũ Hành Sơn được tôn vinh, giới thiệu trang trọng, sau khi được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới (tại kỳ họp diễn ra ngày 23 đến 26/11/2022).

Bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ thêm: Ký ức hình thành nên bản sắc chúng ta. Ký ức ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu về bản thân và môi trường xung quanh, cách chúng ta giải thích các luồng thông tin và đưa ra quyết định. Ký ức không chỉ là quá khứ, ký ức đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu hiện tại và dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Di sản văn hóa của chúng ta ảnh hưởng đến ký ức của tập thể chúng ta. Di sản tư liệu bao gồm lượng thông tin khổng lồ đã được tạo ra và lưu trữ theo nhiều cách khác nhau và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ý nghĩa của chương trình Ký ức thế giới của UNESCO – một sáng kiến quốc tế nhằm bảo vệ di sản tư liệu của nhân loại, chống lại chứng mất trí nhớ tập thể, sự xao nhãng, sự tàn phá qua thời gian, do điều kiện khí hậu, cũng như sự hủy hoại có chủ ý.

Chủ tịch UBND Quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ: “Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm lớn lao phải thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị “Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn” xứng tầm với vị thế của một di sản tư liệu thế giới. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về hệ thống Ma nhai đến cộng đồng trong nước và quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới đầu tiên của Đà Nẵng mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa; góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng không chỉ là thành phố phát triển về kinh tế, mà còn là thành phố có ký ức và bề dày lịch sử - văn hóa; đồng thời tạo cơ sở, nền tảng vững chắc, tiến tới một ước nguyện lớn: Thành phố Đà Nẵng sẽ đệ trình UNESCO công nhận Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hóa thế giới”, ông Nguyễn Hòa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Ma nhai được UNESCO công nhận là di sản thế giới