Đa số lao động có việc làm nhưng chất lượng còn hạn chế

Minh Anh (T/h)|19/11/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù tỷ lệ lao động có việc làm năm 2018 đạt 98% nhưng chất lượng lao động còn khá hạn chế.

Năm 2000, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm chiếm khoảng 96,2% tổng lực lượng lao động. Tỷ lệ này được duy trì trong hơn 10 năm (từ 2000 đến 2010) và tăng lên khoảng 98% từ năm 2011 đến nay.

Năm 2016, tỷ lệ lao động có việc làm là 97,9%; năm 2017 là 97,96%; năm 2018 đạt 98%. Tuy nhiên, số lao động là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và lao động làm công ăn lương chỉ chiếm khoảng 44% trong tổng số lao động có việc làm, mặc dù tỷ lệ này đã có sự gia tăng hàng năm.

Số lao động tự tạo việc làm và lao động gia đình chiếm khoảng 56% trong tổng lao động có việc làm. Điều này phần nào cho thấy chất lượng việc làm của lao động Việt Nam còn khá hạn chế, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn cao.

Ảnh minh họa

Chất lượng lao động thấp, chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển: Nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ (ngân hàng, tài chính, thông tin viễn thông, du lịch…) và công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp.

Tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Kỷ luật lao động của người Việt Nam nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình sản xuất công nghiệp. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp.

Phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, nông nghiệp, mang nặng tác phong sản xuất của một nền nông nghiệp tiểu nông, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo Ngân hàng Thế giới, phần lớn người sử dụng lao động cho hay tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên thiếu kỹ năng hoặc khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề.

Khác với nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện nay, Việt Nam không gặp khó khăn về thiếu lao động nhưng doanh nghiệp khó tìm được lao động có kỹ năng phù hợp với họ. Ngân hàng Thế giới cho rằng các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Phụ huynh cần tham gia nhiều hơn vào việc học hành của con em mình. Người học cần va chạm với công việc thực tế trước khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cường cho rằng thành công lớn nhất của Nhật Bản trong quá trình phát triển nguồn lực là đào tạo lao động kỹ thuật tại các công ty. Ở Nhật, phần lớn lao động được đào tạo theo hình thức này. Khi người lao động tham gia “gia đình công ty”, họ sẽ được đào tạo để trở thành con người thực sự của công ty, kế cả về kỹ năng làm việc và lối sống.

Quá trình đào tạo của công ty diễn ra theo hai giai đoạn. Giai đoạn một là tác phong, thực tế, tập đoàn hóa. Giai đoạn hai là đào tạo chuyên môn thông qua hình thức đào tạo tại chỗ chính quy và không chính quy.

Trong đó, hình thức đào tạo tại chỗ chính quy đảm bảo đào tạo người lao động theo chương trình chính thống, đánh giá theo chuẩn mực thống nhất. Hình thức đào tạo tại chỗ không chính quy được coi là quan trọng hơn vì cho phép đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người lao động thường xuyên và suốt đời.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đa số lao động có việc làm nhưng chất lượng còn hạn chế