Biến đổi khí hậu

Đắk Lắk chủ động ứng phó với mưa lớn có nguy cơ gây ngập úng, sạt lở đất

Hoàng Thơ 25/12/2024 16:00

Từ 24/12 đến ngày 26/12, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ xuất hiện 1 đợt mưa diện rộng, Đắk Lắk yêu cầu các địa phương chủ động canh gác, kiểm soát, nhất là tại các khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, do ảnh hưởng của bão Pabuk (cơn bão số 10), từ chiều tối ngày 23 đến 25/12, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đợt mưa diện rộng, rải rác mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.

Lượng mưa phổ biến 5 – 20 mm/24 giờ, có nơi lớn hơn 50 mm/24 giờ; các huyện thuộc khu vực phía Đông của tỉnh, lượng mưa phổ biến từ 30 – 50 mm/24 giờ, có nơi lớn hơn 100 mm/24 giờ.

Theo dự báo, từ 24/12 đến ngày 26/12, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ xuất hiện 1 đợt mưa diện rộng, riêng khu vực phía Đông tỉnh có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa trên 100mm, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất trên sườn dốc có nền đất bở, yếu và khu vực ven sông tại các huyện M’Đrắc, Ea Kar, Krông Bông…

mua-1.jpg
Đắk Lắk chủ động ứng phó với mưa lớn có nguy cơ gây ngập úng, sạt lở đất

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, sạt lở trong những ngày tới, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản đề nghị UBND cấp huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, có phương án sản xuất và bảo vệ phù hợp cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025.

UBND cấp huyện cùng thành viên Ban Chỉ huy cấp huyện triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn. Đồng thời, tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

UBND cấp huyện bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; phối hợp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công.

Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực để vận hành, điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của mưa lớn để người dân chủ động phòng tránh, ứng phó; tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Đắk Lắk xảy ra 1 đợt hạn hán trên diện rộng; 6 trận dông, lốc; 1 trận mưa đá; 1 đợt mưa lũ và 1 vụ sạt lở đất gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Ước tính thiệt hại hơn 215,6 tỷ đồng; tăng 43 tỷ đồng so với năm 2023.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang vào chính vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025; đồng thời, nông dân đang gieo trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Do đó, việc chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ trong những ngày tới góp phần giúp người dân chủ động, ứng phó với diễn biến thời tiết, giảm thiệt hại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đắk Lắk chủ động ứng phó với mưa lớn có nguy cơ gây ngập úng, sạt lở đất
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.