Đắk Nông chi hơn 62 tỉ đồng để giữ rừng

Minh Trang|30/01/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Rừng không chỉ là "lá phổi xanh" mà còn tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình, người lao động ở Đắk Nông có thêm điều kiện để giữ rừng, cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống.

Toàn tỉnh Ðắk Nông hiện có khoảng 250 ngàn ha rừng, đất rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên chiếm gần 200 ngàn ha. Cùng với các chủ rừng, trong những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện tốt công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), tổ chức các hoạt động tuyên truyền, góp phần giúp các đơn vị, địa phương bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên hiện quản lý gần 24 ngàn ha rừng. Diện tích rừng trải dài ở nhiều địa phương (giáp tỉnh Bình Phước), nên đơn vị cần duy trì lực lượng quản lý bảo vệ lớn. Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, nguồn chi trả lương cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị hiện vẫn chủ yếu từ nguồn cung ứng DVMTR. Với nguồn DVMTR do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả đã góp phần quan trọng để đơn vị vừa giữ rừng, vừa phát triển được rừng bền vững.

giu-rung.jpg
Nguồn dịch vụ chi trả môi trường rừng đang tạo sinh kế cho người lao động, người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng hiệu quả. Ảnh: Phan Tuấn

Cũng theo ông Bình, khi các đơn vị chủ rừng bớt phải lo kinh phí để giữ rừng thì họ sẽ có thêm cơ hội để bố trí các nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ khác. Đối với trường hợp của đơn vị, ngoài công tác quản lý, bảo vệ hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên, Công ty còn xây dựng được 11 phương án đầu tư liên kết nông, lâm kết hợp. Công ty đã giao khoán hơn 611 ha đất lâm nghiệp cho 223 hộ dân để thực hiện các mô hình nông, lâm kết hợp. Việc các hộ dân sống trong khu vực thực hiện hiệu quả mô hình nông, lâm kết hợp sẽ giống như “lá chắn” để đơn vị yên tâm giữ ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, trong năm 2022 đơn vị đã chi tạm ứng cho 186 chủ rừng, tương ứng với số tiền hơn 62,6 tỷ đồng DVMTR. Nguồn DVMTR chủ yếu chi trả đến chủ rừng là các ban quản lý rừng đặc dụng 20,4 tỷ đồng; các công ty lâm nghiệp hơn 18,8 tỷ đồng; ban quản lý rừng phòng hộ 14,2 tỷ đồng; các tổ chức khác, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bon gần 9 tỷ đồng... Từ nguồn kinh phí DVMTR đã giúp các chủ rừng có thêm nguồn lực chi trả cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng cũng như các hộ nhận giao khoán yên tâm bám rừng, giữ rừng.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông cho biết: Ngoài chi trả DVMTR, công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức trong việc sử dụng tiền DVMTR cũng rất quan trọng. Khi nguồn kinh phí được chi trả kịp thời đến các chủ rừng hay hộ gia đình nhận khoán rừng và sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển vốn rừng trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2022, đơn vị đã tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chi trả DVMTR trên toàn tỉnh với 640 đại biểu là đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được tiếp cận, nâng cao kiến thức trong sử dụng DVMTR. Đơn vị cũng tổ chức các đợt kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng tiền DVMTR tại 31 đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh năm 2022; kiểm tra hồ sơ giao khoán và đối tượng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại 6 đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh; tổ chức làm việc với các đơn vị sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh để đôn đốc, hướng dẫn kê khai nộp tiền uỷ thác chi trả DVMTR theo đúng trình tự, thời gian quy định. Thường xuyên làm việc, phối hợp với Quỹ Trung ương thực hiện điều tiết nguồn tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Để bảo đảm việc chi trả DVMTR chính xác, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng viễn thám GIS trong quản lý tài nguyên rừng và chi trả DVMTR. Việc bồi dưỡng kiến thức được tập trung vào đối tượng là cán bộ tham gia công tác xây dựng bản đồ, xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm việc với các đơn vị chủ rừng thống nhất xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2021 và xử lý số liệu kiểm tra thực địa để xây dựng bản đồ chi trả DVMTR. Công tác này giúp cập nhật diễn biến năm 2021 được chính xác và làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch thu chi của đơn vị.

Với những nỗ lực của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã giúp các chủ rừng trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực chi trả cho công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần phát triển bền vững diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh.

Bài liên quan
  • Khánh Hòa tăng cường giữ rừng dịp Tết
    Các đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đang tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi khai thác trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy và phòng, chống cháy rừng trong dịp Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đắk Nông chi hơn 62 tỉ đồng để giữ rừng