Lâm Đồng: Gian nan giữ rừng dịp Tết

Nguyệt Minh (T/h)|10/01/2020 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hơn 1 tháng qua, nhiều nhóm đối tượng từ huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đổ về tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng để khai thác rừng trái phép. Tình trạng này có thể còn phức tạp hơn khi Tết cổ truyền đang cận kề.

Dựa theo tình hình thực tế, các chủ rừng đã phối hợp cùng lực lượng chức năng địa phương đã lập chốt, tổ chức truy quét để “hạ nhiệt” điểm nóng này.

Hơn 1.000ha rừng dọc tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng, thuộc lâm phận của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) luôn bị các đối tượng khai thác rừng trái pháp luật nhòm ngó. Nguyên nhân là khu vực này vẫn còn nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế cao như: pơ mu, kiền kiền…, rừng lại trải dài dọc tuyến Quốc lộ 27C nên rất thuận lợi cho các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ. Gần 1 tháng nay, khu vực này luôn thu hút 6 – 7 nhóm khai thác rừng trái phép ở trong và ngoài huyện Khánh Vĩnh đến hạ cây lấy gỗ.

Ông Nguyễn Đình Tấn – Phó Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết, trước Tết Nguyên đán hàng năm, tình trạng khai thác rừng trái phép luôn có chiều hướng gia tăng. Năm nay, các đối tượng đổ về tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng để khai thác. Qua nhiều ngày theo dõi, đơn vị xác định có 3 nhóm đến từ Diên Khánh, 1 nhóm đến từ thị xã Ninh Hòa và 2 – 3 nhóm là người Khánh Vĩnh thường xuyên đến đây cưa hạ rừng tự nhiên. Các khu vực rừng bị xâm hại cao là: Km49, Km59, Km54, Km57… trên tuyến Quốc lộ 27C. Không như trước đây chỉ cưa hạ các loại cây gỗ quý, có giá trị cao, hiện nay, các đối tượng cưa hạ cả những cây gỗ ít giá trị thuộc nhóm V, nhóm VI ở gần đường. Các nhóm này tổ chức hoạt động rất bài bản, có nhiều “đề lô” – người canh đường để làm nhiệm vụ canh gác, quan sát hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm, khi có động sẽ dùng điện thoại báo cho đồng bọn biết để tẩu tán, cất giấu tang vật.

Một góc rừng dọc tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng

Mới đây, khi cùng lực lượng liên ngành của huyện Khánh Vĩnh đi tuần rừng ban đêm, chỉ trong vòng 10km (từ Km50 đến Km60), có hàng chục, thậm chí hàng trăm ngóc ngách, đường mòn mà các đối tượng phá rừng đi vào khai thác, vận chuyển gỗ ra sát bìa rừng, đợi lực lượng chức năng sơ hở sẽ đưa xe ô tô đến chuyển gỗ đi. Theo một nhân viên quản lý bảo vệ rừng, việc vận chuyển gỗ từ bìa rừng lên xe ô tô được các đối tượng thực hiện rất nhanh. Trong khi đó, dọc tuyến đường này thường xuyên có sương mù dày đặc nên việc tuần tra, phát hiện rất khó khăn.

Với tình hình xâm hại rừng trên tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng có chiều hướng gia tăng, thời gian qua, Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã chỉ đạo các đội quản lý bảo vệ rừng của công ty phối hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra trên tuyến đường này, nhất là vào ban đêm. “Trên tuyến đường này, chúng tôi bố trí 2 trạm quản lý bảo vệ rừng, 1 chốt ở giữa tuyến đường. Lực lượng của chúng tôi có sự phối hợp của lực lượng kiểm lâm, Công an huyện Khánh Vĩnh, ban ngày thì truy quét vào rừng, ban đêm truy quét dọc tuyến đường, nhờ đó, tình trạng xâm hại rừng đã bớt nóng so với thời điểm đầu tháng 12. Chỉ trong vòng 1 tháng, chúng tôi đã bắt giữ 51 khúc gỗ xẻ hộp, khối lượng khoảng 5m3 dọc tuyến đường đèo”, ông Tấn cho biết.

Ngoài lực lượng của chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh và Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh bố trí lực lượng, tăng cường truy quét để hạ nhiệt điểm nóng này. Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh cho biết: “Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, chúng tôi đã tạm giữ 1 xe ô tô, hơn 10m3 gỗ phát hiện dọc tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng. Nhận định thời điểm trước, trong và sau Tết, khu vực này tiếp tục bị các đối tượng nhòm ngó, chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra, truy quét mạnh”. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cũng đang tạm giữ một số phương tiện, lâm sản được phát hiện tại khu vực này.

Nguyệt Minh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lâm Đồng: Gian nan giữ rừng dịp Tết
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.