Đánh giá khả năng ảnh hưởng đến môi trường biển khi khai thác cát biển làm nền đường cao tốc

Mai Anh|16/02/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong bối cảnh trữ lượng cát sông không đáp ứng đủ nhu cầu san lấp, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, thử nghiệm nguồn vật liệu thay thế trong đó có cát biển.

Theo Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải), giai đoạn 2021 - 2025, 4 dự án đường bộ cao tốc sẽ được triển khai đồng loạt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Nhu cầu cát đắp nền đường này ước khoảng hơn 35,6 triệu m3. 

Trong đó, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) cần khoảng 15 triệu m3. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17,8 triệu m3; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh cần hơn 1,4 triệu m3 và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh cần hơn 1,3 triệu m3. 

caotoc-vung-dbscl.jpg
Thiếu cát xây dựng các dự án cao tốc đường bộ tại vùng ĐBSCL.

Dự kiến trong tháng 6 tới, các địa phương có tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (dài 76km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An) sẽ khởi công. Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, 76km đường của dự án sẽ cần tới hơn 1,6 triệu m3 đất đắp nền đường; hơn 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; gần 1,5 triệu m3 cát xây dựng... 

Tuy nhiên, nguồn cát phục vụ cho dự án này đang thiếu trầm trọng, hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu (tỉnh Bình Dương cam kết cung ứng 30%, tỉnh Đồng Nai cung ứng 40%). Số còn lại dự kiến khai thác chủ yếu tại sông ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long. 

Trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu m3. Tuy nhiên, hiện chỉ có An Giang cam kết tăng 50% công suất khai thác từ các mỏ và cung ứng khoảng hơn 1 triệu m3 cát, các địa phương khác chưa có kế hoạch. 

Trước thực tế này, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên - Môi trường (Bộ TN&MT) thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”. Bộ TN&MT giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị chủ trì Dự án và Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển và các đơn vị thuộc Tổng cục là đơn vị thực hiện. 

Nghiên cứu của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho thấy, vùng biển từ 0 - 100 m ở nước ta có tiềm năng lớn về khoáng sản vật liệu xây dựng. 30 vùng triển vọng được xác định với tổng tài nguyên dự báo gần 150 tỷ m3, trong đó, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Phú Quốc - Hà Tiên, Hải Phòng - Quảng Ninh… là những địa phương được đánh giá có thể quy hoạch để thăm dò khai thác cát làm vật liệu xây dựng và san lấp.

Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là nơi có trữ lượng lớn cát biển lên đến hàng tỷ mét khối, đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam 2006 về nguyên liệu làm vật liệu xây dựng và san lấp. Hiện, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành khai thác và sử dụng thử nghiệm 3.000m3 cát biển để làm nền đường, bước đầu đạt kết quả tốt. 

Là một trong những dự án trọng điểm, có tính đặc thù cao nên dự án nhận được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo Bộ TN&MT. Về tình hình thực hiện dự án, gần đây Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã chỉ đạo Cục Địa chất Việt Nam giao Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển nghiên cứu, đánh giá khả năng ảnh hưởng đến môi trường biển khi điều tra, khai thác cát biển. 

cat-nie.jpg
Khai thác tiềm năng cát biển hiệu quả sẽ khắc phục tình trạng thiếu vật liệu san lấp .

Ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho biết, các hoạt động của dự án sẽ có những tác động nhất định đến môi trường, tuy nhiên không gây tác động xấu. Để triển khai thi công thực địa có hiệu quả, dự án cần đấu thầu, mua, thuê một số thiết bị (thuê tàu, giàn khoan…), Cục Địa chất Việt Nam đề nghị Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ TN&MT hướng dẫn triển khai nguồn vốn và các thủ tục liên quan đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu phục vụ thực hiện dự án.

Theo Bộ TN&MT, việc thực hiện Dự án nhằm nghiên cứu, khai thác sử dụng nguồn cát sạn đáy biển to lớn thay thế dần cát xây dựng trên đất liền là nhiệm vụ cấp thiết, trực tiếp phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Đây cũng là cơ sở thực tiễn đẩy mạnh hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển. Đồng thời, dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản biển, phục vụ và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá khả năng ảnh hưởng đến môi trường biển khi khai thác cát biển làm nền đường cao tốc