Dạo quanh châu Á: Văn hóa đón tết Trung thu

Mộc An (t/h)|13/09/2019 10:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ở nhiều nước châu Á, Tết Trung thu là một lễ hội có ý nghĩa đặc biệt trong dòng chảy văn hóa truyền thống. Mỗi quốc gia với đặc trưng riêng về văn hóa lại có cách khác nhau để chào đón dịp lễ này.

Ảnh: Shutterstock.

Trung Quốc: Đây là một trong những quốc gia đón Trung thu lớn nhất thế giới với nhiều sự tích, truyền thuyết được lưu truyền. Lễ hội được cho là bắt đầu từ thời Đường Huyền Tông vào đầu thế kỷ thứ 8.

Vào dịp này, cả gia đình sẽ sum vầy bên mâm cỗ cúng trăng. Hai loại bánh không thể thiếu là bánh nướng và bánh dẻo. Đêm rằm tháng 8 người Trung Quốc thường treo đèn lồng trước cửa, thả hoa đăng và thắp đèn Khổng Minh lên trời để cầu may mắn. Trẻ em cũng có lễ rước đèn, múa lân sư rồng.

Ảnh: Blog.trazy.

Hàn Quốc: Còn gọi là lễ Chuseok, tết Trung thu là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Vào dịp này, người dân được nghỉ làm tận 3 ngày để sum vầy cùng người thân, về quê viếng mộ tổ tiên. Trên mâm cúng tổ bao giờ cũng tràn đầy những món ăn đủ cả sắc – hương – vị.

Người Hàn Quốc rất chuộng các món truyền thống ngày Trung thu như bánh gạo nếp ngọt hình bán nguyệt, bánh trứng chiên gọi là jeon, thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh và rượu gạo. Họ thường tặng nhau những món quà ý nghĩa và tốt cho sức khỏe như thịt bò, dầu ăn, hoa quả, nhân sâm.

Ảnh: Tomo

Nhật Bản: Tết Trung thu gia nhập vào Nhật Bản từ hơn 1.000 năm trước. Otsukimi là lễ hội tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, cũng là thời điểm trăng tròn nhất. Lễ hội diễn ra vào 15/8 Âm lịch, tức tháng 9 hoặc 10 hàng năm. Vào ngày lễ, người dân sẽ bày một mâm bánh lớn trước nhà, cùng trò chuyện, ăn uống. Nhiều không gian công cộng cũng tổ chức ngắm trăng để mọi người cùng tham gia. Món ăn đặc trưng trong ngày Trung thu là bánh gạo nếp – Tsukimi Dango. Trẻ em thường rước đèn lồng cá chép trong lễ hội.

Ảnh: Tripsavvy.com

Thái Lan: Tết Trung thu được tổ chức vào đúng 15/8 âm lịch với tên gọi Lễ cầu trăng. Vào dịp này, người Thái sẽ tổ chức lễ cúng trăng và ngồi quây quần bên nhau để cầu nguyện. Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Theo họ, Bát Tiên sẽ mang quả đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác, đồng thời chứng giám cho những lời ước nguyện của mọi người.

Ảnh: Dawnmcclary.

Philippines: Tết Trung thu ở Philippines bắt nguồn từ những người gốc Hoa đến đây sinh sống và làm việc. Lễ hội sẽ kéo dài trong vòng hai ngày. Đèn lồng đỏ, băng rôn được treo khắp các cửa hàng và con phố khu Chinatown. Ngoài múa lân, rước đèn, ở đây còn có những chiếc xe hoa diễu hành trong trang phục truyền thống của người Hoa. Bánh Trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia với nhiều phiên bản khác nhau.

Ảnh: News.cn.

Malaysia: Do có số lượng lớn người gốc Hoa sinh sống, Tết Trung thu tại đây cũng tưng bừng như ở Trung Quốc. Người dân nơi đây tổ chức lễ hội nhằm thể hiện niềm vui khi kết thúc vụ mùa bội thu, sự thịnh vượng, no ấm và hòa bình.

Ảnh: Activetravel.asia.

Myanmar: Người dân nơi đây gọi Tết Trung thu là Lễ trăng tròn hay Tiết quang minh. Trong đêm rằm Trung thu, họ đều thắp đèn lồng để mang lại ánh sáng rực rỡ cho cả thành phố. Vào dịp lễ này, mọi người sẽ cùng nhau vui chơi, nhảy múa và xem kịch để thể hiện niềm hân hoan cho mùa màng bội thu.

Với tên gọi “Lễ hội vái lạy mặt trăng”, người Campuchia sẽ tổ chức cuộc thi thả đèn gió

Campuchia: Không giống như Tết Trung thu ở các nước châu Á khác, người dân nước này không đón Trung thu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch mà là vào giữa tháng 12. Lễ hội này có tên là Bái nguyệt tiết, nghĩa là “vái lạy mặt trăng”. Cứ vào ngày này, khi ánh trăng bắt đầu nhô lên khỏi những tán cây, người dân sẽ bái nguyệt với tất cả lòng thành kính của mình để cầu bình an, may mắn.

Tết Trung thu ở Lào là dịp để các chàng trai, cô gái vui chơi

Lào: Với người Lào, họ gọi Tết Trung thu là Nguyệt phúc tiết – Lễ hội trăng phước lành. Tết này không chỉ dành cho trẻ em mà là dịp dành cho các chàng trai, cô gái múa hát thâu đêm, họ sẽ cùng tụ tập ca hát, nhảy múa thâu đêm. Còn người lớn sẽ ngồi thưởng thức trà và ngắm trăng.

Mộc An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạo quanh châu Á: Văn hóa đón tết Trung thu