Hầu hết các Cơ sở sửa, rửa xe quản lý dầu nhớt thải chưa đảm bảo
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải khai báo khối lượng, thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý. Trong quá trình lưu giữ, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường và chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Quy định là vậy nhưng theo khảo sát của PV Tạp chí điện tử Moitruong.net.vn tại một số gara ô tô, cơ sở rửa xe trên địa bàn thành phố Hà Nội thì hầu hết nơi lưu trữ dầu thải của các cơ sở này đều có dấu hiệu không đảm bảo an toàn cháy nổ và có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường. Những phuy, can nhựa lớn chứa dầu thải đặt ở góc xưởng đều không có nắp đậy và gần với nguồn điện. Còn để ngoài trời thì ngay trên vỉa hè và xung quanh loang lổ dầu thải rơi vãi, rất dễ gây trơn trượt cho người đi đường. Nhiều nơi đường hẹp, vỉa hè nhỏ lại bị chiếm dụng làm chỗ rửa xe, nước rửa xe có chất tẩy rửa cực mạnh cứ thế tràn ra đường, thậm chí bay cả vào mặt người đi đường.
Điển hình như xưởng sửa chữa ô tô, xe máy tại khu công nghiệp Từ Liêm đóng trên địa bàn phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, phuy chứa dầu thải đặt ngay cạnh chỗ rửa xe. Nước thải từ hoạt động rửa xe kéo theo cả dầu nhớt thải vương vãi quanh các phuy chứa chảy tràn qua hè xuống lòng đường, vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Bài 1 - Dầu nhớt thải ô tô, xe máy – nỗi lo ảnh hưởng tới môi trường
Vẫn thuộc khu công nghiệp Từ Liêm nhưng có lẽ do vị trí đắc địa nên 4-5 gara sửa chữa ô tô lớn nằm dọc tuyến đường Trịnh Văn Bô là sôi động nhất. Hàng chục ô tô xếp thành dãy dài, kín cả vỉa hè và tràn xuống lòng đường hai chiều giao thông. Mặc dù các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng và dọn rửa ô tô, xe máy không diễn ra dưới long đường nhưng việc để ô tô xếp dài đến nửa cây số làm hạn chế việc đi lại của các phương tiện tham gia giao thông khác.
Hay trên tuyến đường 70, đoạn qua xã Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), các điểm sửa chữa, rửa ô tô, xe máy mọc lên nhan nhản. Đây là tuyến đường nối quan trọng của khu vực Tây Bắc thành phố nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông từ các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đi Hà Đông và ngược lại rất lớn. Đường hẹp, vỉa hè lại nhỏ, nước thải từ các hoạt động rửa xe cứ thế chảy ra mặt đường khiến đoạn đường lúc nào cũng lầy lội, bẩn thỉu.
Là người hay qua lại tuyến đường này, anh Phùng Anh Quang bức xúc: “Đi đường khác về nhà thì xa mà đi đường này thì luôn phải dè chừng, không cẩn thận là dính nước rửa xe. Tôi đã mấy lần bị nước rửa xe xịt trúng mặt. Đứng lại nói vài câu cho bõ tức thì không được vì đường đông mà bỏ đi thì ấm ức nhưng khó chịu nhất vẫn là vẻ mặt như không có chuyện gì xảy ra của đám thợ rửa xe.
Trò chuyện với một thanh niên đang làm việc cho một cơ sở sửa chữa xe máy, gara ô tô ở đường Hồ Tùng Mậu (Q. Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), chúng tôi được biết dầu nhớt thải ở đây được gom đổ vào hai thùng phuy, lúc nào đầy thùng thì gọi người đến mua. Tất cả đều có mối hết rồi.
“Dầu nhớt thải bán chẳng đáng bao nhiêu (khoảng 2 triệu đồng/ thùng 200l) nhưng nếu không bán đi thì chỉ có cách đi đổ trộm thôi”, nam thanh niên này cho biết.
Theo lý giải của thanh niên này dù biết dầu mỡ thải công nghiệp có quy trình thu gom khác với rác thải sinh hoạt nhưng vì cơ sở không lớn nên ngoài dầu thải ra, những thứ không bán được sẽ tiện đâu vứt đó. Hỏi về những cặn dầu không bán được thì đổ đi đâu, thanh niên này chỉ cười trừ, không đáp.
Còn chủ một gara sửa chữa, rửa ô tô, xe máy khác ở phường Quan Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thì lại cho rằng việc đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải chứa dầu mỡ quá tốn kém so với lợi nhuận thu được nên cứ hoạt động theo kiểu “vừa làm vừa nghe ngóng”, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện đành chấp nhận chịu phạt.
Cũng theo tiết lộ của ông chủ gara này thì hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ đều không có bất kỳ một giấy tờ nào liên quan đến môi trường cũng như quy trình xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường. Lượng dầu thải thu được trong quá trình thay dầu, bảo dưỡng ô tô, xe máy, các cơ sở này bán cho những người trực tiếp đến thu mua, khiến cho một lượng lớn loại chất thải nguy hại này nằm ngoài vòng kiểm soát... Mặt khác, đại đa số các điểm sửa chữa này đều không có kho lưu giữu chất thải, cũng như các thiết bị để xử lý chất thải dầu mỡ theo đúng quy định. Vì vậy, nước thải chứa dầu thải từ các hoạt động rửa ô tô, xe máy vẫn ngày ngày được xả thẳng ra các cống tiêu thoát nước dân sinh.
Nhiều bất cập trong việc thu gom dầu thải
Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Moitruong.net.vn, ông Bùi Ngọc Uyên- đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, thành phố hiện có hàng nghìn điểm sửa, rửa ô tô, xe máy nên lượng nước thải chứa dầu mỡ từ các cơ sở này mỗi ngày xả ra môi trường là rất lớn, nếu không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, làm trầm trọng thêm hiện tượng úng ngập khi mưa lớn. Tuy nhiên, cho đến nay Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể đối với các cơ sở sửa, rửa xe ô tô, xe máy nhỏ lẻ phải có biện pháp xử lý nước thải trước khi thải ra hệ thống thoát nước và môi trường sông, hồ, dẫn tới nhiều cơ sở vẫn bất chấp xả nước thải chứa dầu, mỡ ra môi trường để tiết kiệm chi phí.
Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường TP Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở bảo trì, sửa chữa và rửa ô tô, xe máy. Các cơ sở này trải rộng khắp trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, tuy nhiên tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận nội thành có số lượng phương tiện giao thông lớn. Bên cạnh các gara bảo trì, sửa chữa lớn của các đơn vị chính hãng, chủ yếu là các cơ sở bảo trì, sửa chữa và rửa ô tô, xe máy tư nhân có quy mô nhỏ nằm rải rác trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Do hầu hết các cơ sở bảo trì, sửa chữa và rửa ô tô, xe máy có quy mô nhỏ (đặc biệt là các cơ sở sửa chữa, rửa xe máy) nằm rải rác trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động nên hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng các cơ sở hoạt động dịch vụ này trên địa bàn.
Về đơn vị thu gom, xử lý chất thải nguy hại, theo Sở Tài nguyên – Môi trường TP Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 02 đơn vị có chức năng xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, y tế nguy hại có cơ sở xử lý đặt tại địa bàn là Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp Bắc Sơn, Công ty cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 – Urenco 13) và khoảng hơn 10 đơn vị xử lý chất thải nguy hại có cơ sở xử lý đặt trên địa bàn các tỉnh lân cận.
Ông Trần Vũ Hiệp, Giám đốc Công ty CP MTĐT và công nghiệp Bắc Sơn (URENCO 10) cho biết: "công ty có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp và y tế bao gồm cả việc xử lý dầu mỡ thải công nghiệp nhưng cũng mới chỉ ký hợp đồng được với một số khu công nghiệp song chủ yếu là thu gom giẻ lau dính dầu chứ “dầu nhớt, mỡ thải thì mình có ký nhưng họ không chuyển”. Lý do, theo anh Hiệp là những cơ sở bảo trì, sửa chữa và rửa ô tô, xe máy nếu có ký hợp đồng thì họ cũng chỉ chuyển cho những rác thải không bán được còn những thứ bán được như dầu mỡ thải thì họ để bán ra thị trường vừa thu được một khoản tiền vừa đỡ phải bỏ ra một khoản tiền để URENCO 10 vận chuyển và làm công tác thải bỏ.
“Đương nhiên là tính hiệu quả về mặt kinh tế họ phải tính toán nên dù có ký hợp đồng với mình thì họ cũng chỉ chuyển những rác thải không bán được còn những chất thải có thể kiếm ra tiền thì giữ lại để bán. Mình không thể ép họ phải bàn giao cho mình bởi vì hợp đồng là thỏa thuận giữa hai bên. Còn trên phương diện có đoàn kiểm tra tới kiểm tra thì họ buộc phải đưa ra nhưng cũng chỉ là làm màu thôi. Mà khối lượng ít thì mình cũng không thể thu gom được bởi rác thải nguy hại có quy trình thu gom riêng, không ai bỏ chi phí một chuyến xe lại thu về ít giẻ lau dính dầu với vài chục lít dầu thải được”, anh Hiệp chia sẻ.
Chính vì những nguyên nhân này nên việc thu gom dầu nhớt thải từ các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng và dọn rửa ô tô, xe máy vẫn chủ yếu là phụ thuộc vào đạo đức của chủ xưởng.
Cũng theo vị Giám đốc này thì rác thải đang là thị trường sôi động được nhiều doanh nghiệp, công ty đầu tư vào lĩnh vực này nên có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ngay cả chất thải nguy hại cũng có nhiều doanh nghiệp đầu tư để thu gom.
“Rác thải không phân chia địa bàn, chỉ cần có giấy phép của Bộ TN-MT là những công ty ở Bắc Ninh, Hưng Yên,…cũng có thể vào Hà Nội thu gom rác thải. Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có rất nhiều công ty tư nhân có chức năng thu gom và xử lý rác thải bao gồm cả rác thải nguy hại và rác thải y tế”, anh Hiệp cho biết.
Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định cách thức vận chuyển chất thải nguy hại như sau: Chất thải nguy hại khi vận chuyển phải được lưu chứa và vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng phù hợp đến cơ sở xử lý chất thải;
Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải lắp đặt thiết bị định vị; hoạt động theo tuyến đường và thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối tượng được phép vận chuyển chất thải nguy hại, theo Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển.
Về việc xử lý chất thải nguy hại, theo khoản 1 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.