Dầu nhớt thải ô tô, xe máy: Ngoài tầm kiểm soát do chế tài chưa đủ mạnh? (Bài 3)

Lam Trinh |05/09/2024 18:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị phạt tới vài trăm triệu đồng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng các cơ sở sửa chữa, rửa ô tô, xe máy vẫn ngang nhiên để dầu nhớt thải phát tán ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Phải chăng do chế tài chưa đủ mạnh hay nhận thức của người dân còn hạn chế?

Một đặc điểm chung mà PV Moitruong.net.vn nhận thấy sau quá trình đi khảo sát một số điểm sửa chữa, rửa ô tô, xe máy tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hoàng Mai là hầu hết những cơ sở này là đều để nước thải từ hoạt động rửa xe chảy trực tiếp vào cống thoát nước chung, không qua hệ thống lọc; nơi để dầu thải đa phần được bảo quản chưa đúng quy định, rơi vương vãi ra nền đất và vỉa hè…

Chưa được quan tâm đúng mức

Sống ở khu tập thể đã nhiều năm nên chị Nhã (P. Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không lạ gì điểm rửa xe của gia đình anh Hạ ở đầu ngõ. Chỉ với cái xô đựng vài ba cái chổi, túm giẻ lau, bình nước rửa bát và một chiếc vòi nước có đường ống dẫn nước từ trong nhà ra, đặt trên nắp cống ngầm của khu xóm, thế là thành điểm rửa xe của anh Hạ. Cách đó không xa, ngay dưới chân một dãy nhà tập thể cao tầng là một cơ sở sửa chữa xe máy kiêm dịch vụ rửa xe.

z5647530462170_7df05948da57e7fb2ac5a4ceef588dae.jpg
Những điểm rửa xe kiểu này đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội

Nước lẫn dầu mỡ, bọt xà phòng từ hoạt động rửa xe chảy lênh láng con ngõ rồi đổ xuống cống. Lâu lâu có mưa to, mưa dài ngày, con ngõ lại ngập, ai cũng biết nước rút chậm vì cống đầy bùn đất, chất thải nhưng không ai nghĩ rằng những điểm rửa xe nhỏ lẻ như của gia đình anh Hạ cũng góp phần gây nên nguyên nhân này.

Khắp thành phố Hà Nội, những điểm rửa xe nhỏ như của gia đình anh Hạ không phải hiếm gặp. Chưa kể những điểm rửa xe chỉ xuất hiện vào những dịp cận tết hay vừa mưa xong do người dân tranh thủ thì không sao kiểm đếm được.

Nghị định 39/2007/NĐ-CP có quy định, với cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại bao gồm: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định…

Như vậy, việc cá nhân thực hiện dịch vụ rửa xe được coi là một hoạt động thương mại và không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì dịch vụ rửa xe thuộc đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường với các điều kiện nghiêm ngặt về xử lý chất thải, nguồn nước sử dụng…

b3-rxe.jpg
Tại gara này, hè phố trở thành nơi tập kết phuy đựng dầu nhớt thải và bãi rửa xe. Nước thải từ hoạt động rửa xe cứ thế chảy tràn ra hè phố

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nước thải có lẫn dầu mỡ thải và đặc biệt là chất tẩy rửa từ các hoạt động rửa ô tô, xe máy nếu thải ra môi trường xung quanh sẽ có tác động không nhỏ đến nguồn nước cũng như sinh hoạt của người dân. Theo quy định, việc quản lý, xử lý chất thải nguy hại được thực hiện theo 3 công đoạn là: thu gom, bảo quản và xử lý. Vì vậy, các điểm sửa chữa ô tô, xe máy có chất thải nguy hại phải thực hiện đúng theo hướng dẫn, thu gom chất thải và bảo quản đúng quy định.

Cụ thể, đối với các chất thải như giẻ lau dính dầu mỡ, dầu nhớt thừa... phải được bảo quản trong những thùng đảm bảo và bảo quản trong các kho an toàn đúng quy định, định kỳ 6 tháng có trách nhiệm báo cáo cho Sở TN&MT để hướng dẫn xử lý. Nước thải từ hoạt động của các cơ sở sửa chữa cần phải có biện pháp xử lý, không để thẩm thấu trong lòng đất hoặc chảy ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, để tiến hành hoạt động kinh doanh, chủ các cơ sở phải cam kết bảo vệ môi trường, đăng ký nguồn chất thải nguy hại, những nội dung này phải được UBND quận, huyện phê duyệt, cấp phép. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một số ít cơ sở thực hiện theo đúng hướng dẫn, còn lại hầu hết có dấu hiệu vi phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nguyên nhân chủ yếu của việc vi phạm, phần lớn do nhận thức chủ quan của các chủ cơ sở, cũng có chủ cơ sở biết nhưng lại phớt lờ, bỏ qua.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát thanh tra, kiểm tra, xử phạt,…của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bằng các quy định hiện có chưa được thường xuyên, quyết liệt, nhất là với các trường hợp vi phạm xả dầu nhớt thải ra bên ngoài. Đối với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhìn chung ý thức, nhận thức các vấn đề về ô nhiễm môi trường mà cụ thể là tác hại của nước thải chứa dầu mỡ còn chưa cao; nhiều cơ sở vẫn hàng ngày xả nước thải chứa dầu mỡ ra bên ngoài và sẵn sàng đóng phạt khi bị phát hiện mà không đầu tư lắp đặt thiết bị hoặc hệ thống tách, xử lý dầu mỡ.

Ông Nguyễn Trọng Bình - Chủ tịch UBND P. Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết hàng tuần, tổ công tác của phường làm công tác đi kiểm tra việc thực hiện văn minh đô thị, qua đó yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, rửa xe chấp hành các quy định về việc xả thải và quản lý dầu nhớt thải. Tuy nhiên, việc người dân có chấp hành tốt hay không thì còn tùy thuộc vào nhận thức cũng như cách hành xử của chủ mỗi điểm kinh doanh, phường cũng không đủ nhân lực để chỉ quán xuyến mỗi công việc này.

Ông Bình khẳng định trên địa bàn không có gara ô tô trong khu dân cư còn những xưởng bảo dưỡng, bảo trì ô tô, xe máy có hành vi xả nước thải vi phạm môi trường mà PV Moitruong.net.vn chụp được nằm trong khu công nghiệp Từ Liêm, do Ban quản lý khu công nghiệp chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì cho rằng rửa xe cũng là một sinh kế của người dân, cũng không nên làm chặt quá mà chỉ cần tuyên truyền, nhắc nhở.

Chế tài chưa đủ mạnh?

Theo TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, vấn đề xử lý dầu nhớt thải công nghiệp khi tràn ra sông ngòi, ao hồ mất rất nhiều công sức và tốn kém.

“Ví dụ như vụ đổ dầu thải ở suối Trầm, Hòa Bình diễn ra tháng 10/2019 khiến Hà Nội mất nước mấy ngày liền, lực lượng chức năng rất vất vả trong việc nạo vét bùn đất chứa dầu thải và xử lý dòng nước ô nhiễm bởi vì dầu thải không đứng nguyên một chỗ mà theo dòng chảy của nước cứ loang ra và bám dính vào bùn đất cũng như các chướng ngại vật trên đường di chuyển nên việc thu gom rất vất vả và tốn kém”, TS Đào Trọng Tứ cho biết.

Cũng theo TS Đào Trọng Tứ, dầu nhớt từ các cơ sở rửa ô tô, xe máy là loại độc hại hạng nặng, không hòa tan nên càng nguy hiểm thế nhưng chế tài xử lý lại tùy thuộc vào qui mô và tùy cơ sở xả thải. Thế nên chỉ những cơ sở sản xuất lớn, có địa điểm cố định mới thực hiện được việc xử phạt còn những cơ sở nhỏ lẻ thì rất khó triển khai bởi hoạt động và địa điểm không ổn định.

b3-c.jpg
TS. Đào Trọng Tứ: dầu nhớt từ các cơ sở rửa ô tô, xe máy là loại độc hại hạng nặng, không hòa tan nên càng nguy hiểm

“Nếu gộp số cơ sở nhỏ lẻ này lại, mỗi chỗ một ít thì khối lượng dầu nhớt thải không phải nhỏ thế nhưng việc xử lý cơ sở nhỏ lẻ lại rất khó bởi vì chỉ những cơ sở lớn mới có giấy phép đăng ký kinh doanh còn những cơ sở nhỏ lẻ, điểm tự phát và hoạt động không thường xuyên thì hầu như không thể xử lý được”, ông Tứ cho biết.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc xử lý những cơ sở vi phạm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho rằng có 4 nguyên nhân ảnh hưởng đến việc quản lý, kiểm soát chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở bảo trì, sửa chữa và rửa ô tô, xe máy trong đó cơ bản nhất là các cơ sở thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động; việc tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở còn chưa cao, né tránh việc kiểm tra, hướng dẫn về bảo vệ môi trường; nhân lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp còn thiếu, kiêm nhiệm các lĩnh vực quản lý khác.

Nguyên nhân cuối cùng, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, trước kia, theo quy định của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý CTNH phát sinh của chủ nguồn thải thông qua Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH và báo cáo tình hình quản lý CTNH của chủ nguồn thải. Giờ đây, theo quy định của Luật BVMT 2020, việc kê khai và quản lý CTNH được tích hợp trong Giấy phép môi trường và báo cáo công tác bảo vệ môi trường chung hàng năm của cơ sở dẫn tới việc quản lý, kiểm soát chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở này không được kịp thời và sát sao.

“Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với một số Trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng ô tô của một số hãng sản xuất ô tô. Quá trình kiểm tra cho thấy các Trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng ô tô đã ký hợp đồng chuyển giao CTNH cho đơn vị xử lý CTNH được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường (theo Luật BVMT 2020), xây lắp hệ thống xử lý nước thải theo nội dung cam kết. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ sở trên địa bàn theo kế hoạch đã phê duyệt”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng chỉ tiến hành được với các trung tâm có giấy phép đăng ký kinh doanh, có hợp đồng với các đơn vị xử lý CTNH được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường còn những điểm thải nhỏ lẻ lại tùy thuộc vào chính quyền sở tại.

Đề cập đến chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường, luật sư Bùi Xuân Lai, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết mặc dù Nghị định của Chính phủ cũng như Bộ luật Hình sự đã quy định khá rõ ràng, chi tiết về mức xử phạt hành chính và xử phạt hình sự các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên trên thực tế, rất hiếm trường hợp vi phạm được các cơ quan chức năng tiến hành xử lý.

“Theo Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, mức phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Tuy rằng mức phạt này còn khá nhẹ song nếu được thực thi nghiêm túc, đầy đủ thì sẽ góp phần hạn chế, giảm bớt các hành vi xả thải ra môi trường đang hết sức tràn lan hiện nay”, luật sư Bùi Xuân Lai chia sẻ.

Cũng theo luật sư Lai, mức độ gây ô nhiễm môi trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thường rơi vào những trường hợp vi phạm có qui mô lớn (thường là từ 1 tấn chất thải nguy hại trở lên).

Còn PGS.Ts Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng thì đưa ra quan điểm: “Tôi nghĩ rằng việc xử phạt hành chính là cần thiết nhưng với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi lần vi phạm thì người ta vẫn sẽ tiếp tục vi phạm bởi vì giá trị của chế tài quá bé so với lợi nhuận thu được nên họ vẫn cứ tái phạm. Ta không mong muốn là phạt hơn để cho bà con không kinh doanh được nhưng ta phải làm thế nào để họ không dám gây ô nhiễm môi trường nữa. Vì vậy, đề nghị cơ quan quản lý nên nghiên cứu có biện pháp nào để công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này đạt hiệu quả hơn. Ví dụ cơ sở nào thực hiện tốt thì khuyến khích, có thể biểu dương bằng vật chất để họ phát triển. Còn chế tài phạt thì nâng lên cho nó tương xứng với lợi nhuận họ thu được, nếu không họ cứ chịu phạt rồi tiếp tục vi phạm thì sẽ dẫn tới sự nhờn luật”.

b3-rxe-1.jpg
Lòng, lề đường bị chiếm dụng thành nơi sửa chữa và rửa ô tô, xe máy

Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;

b) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 500 kilôgam đến dưới 1.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 1.500 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Xả thải ra môi trường từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

d) Xả thải ra môi trường 500 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 300 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

đ) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

e) Thải ra môi trường 150.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 100.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 50.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 100.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 100.000 kilôgam đến dưới 200.000 kilôgam hoặc từ 70.000 kilôgam đến dưới 100.000 kilôgam nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

h) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 50 milisivơ (mSv) trên năm đến dưới 200 milisivơ (mSv) trên năm hoặc giá trị suất liều từ 0,0025 milisivơ (mSv) trên giờ đến dưới 0,01 milisivơ (mSv) trên giờ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dầu nhớt thải ô tô, xe máy: Ngoài tầm kiểm soát do chế tài chưa đủ mạnh? (Bài 3)