Chiều 21/8, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết đã gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư công văn đề xuất gói hỗ trợ lần hai (sau gói 62.000 tỷ đồng hồi tháng tư) dành cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Gói hỗ trợ lần này được đề xuất tổng kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng, tập trung vào ba nhóm: Cơ sở sản xuất vừa và nhỏ; người lao động tại khu vực nông thôn; lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đề xuất, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất – kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn.
Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất – kinh doanh là 2 tỉ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới.
Ảnh minh họa.
Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1-9-2020 đến 1-9-2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỉ đồng.
Bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn, sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi).
Đối tượng thụ hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.
Mức hỗ trợ một triệu đồng mỗi tháng cho người lao động, kèm một triệu đồng cho con dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, tính từ tháng 9 đến tháng 12/2020. Dự kiến sẽ có 1,2 triệu người gồm một triệu lao động đang thuê nhà và 200.000 trẻ em phụ thuộc nhận được hỗ trợ. Kinh phí dành cho nhóm này ước tính 3.600 tỷ đồng, trích từ ngân sách địa phương.
Việt Nam bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai cuối tháng 7. Cơ quan chức năng đã tính đến kịch bản xấu nhất trong thời gian tới, dự báo số lao động mất việc có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo… Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng dự báo lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 – 5 triệu người.
Hoàng Liên